Friday, February 22, 2008

Hành trình tìm Tự Do


Hành trình tìm Tự Do
Hoàng Trọng Quý
Tâm Thức Việt Nam
February 22, 2008

Tôi vượt biên lần thứ 8 thành công, lần thứ 7 bị bắt ở tù Việt Cộng và bị hành hạ, lao động khổ sai 1 năm tưởng đã chết tại Long Phú (cách Sóc Trăng 17 km). Nguyên nhân không vượt thoát được: Ghe vướng cồn cát trong đêm ở Bãi Giá, sáng hôm sau đổ bộ lên bờ định trốn thì bị dân đi báo công an Việt Cộng đến vây bắt ở xã An Thạnh 3.

Chuyến Vượt Biển cuối cùng: Chúng tôi xuống ghe nhỏ ở Bắc Vàm Cống (Long Xuyên) ngày 08.04.1981, đang đổ người lên ghe lớn thì bị Việt Cộng phát giác và chặt dây cột ghe trên cây (trên bờ) bỏ chạy, nếu chúng tôi thả neo dưới sông là đã không kịp thoát, những người chưa lên kịp "Cá Lớn" đều đành phải bỏ lại và họ đều bị CSVN bắt.

Việt Cộng rượt theo, chúng bắn vào ghe chúng tôi bằng đủ thứ súng đạn: AK47, B40 và M79, nhưng may mắn nhờ Ơn Trên che chở, chúng tôi không bị trúng đạn, đạn nổ tung toé trên mặt sông, gây sóng lớn làm chòng chành ghe và văng miểng vào ghe!

Hai phuy dầu Diesel do cột không chặt và ghe đang chạy nhanh để cố gắng đào tẩu nên đã ngã vào máy ghe (motor), may phước thay cũng không bốc nổ và không phựt lửa. Nếu chúng tôi trúng đạn cuả Việt Cộng thì ngày nay đâu còn là "Khúc Ruột Ngàn Dặm" để bây giờ trở thành "Việt Kiều Yêu Nước" về "Xây Dựng Quê Hương, Tổ Quốc" (sic!) như phỉ quyền Việt Cộng vẫn bịp bợm tuyên truyền cho sự sống còn của chúng!

Ghe chúng tôi dài 12 Meters, rộng khoảng 4 Meters với chỉ có 46 người, các bạn đồng hành khác đã bị bắt lúc "đổ quân". Đây là một chiếc ghe bầu để đi trên sông mà thôi và được sửa mũi ghe lại đặng vượt biển.

Ghe tụi tôi ra cửa biển Lịch Hội Thượng, 1 trong 9 Cửa Biển của Cửu Long Giang. Hồi tưởng lại - lúc Việt Cộng bắn rát quá - anh Tài Công (anh Huỳnh Ngọc Phán) có lúc đã phải nằm để tránh đạn nhưng vẫn rồ máy cho ghe chạy tiếp và giữ bánh lái bằng chân của anh ấy. Cảm ơn lòng can đảm tìm sự sống trong cái chết cuả anh Huỳnh Ngọc Phán (Unna, West Germany).

Sau này anh kể lại: Khi đó anh nghĩ rằng bây giờ dừng lại cũng chết với Việt Cộng, thà chạy tiếp để may ra tìm Cái Sống trong Sự Chết và chúng tôi mang ơn Quyết Định Can Đảm này của Anh!

Ghe bị sóng lưỡi buá (là các luồn sóng giao lưu giữa biển và cửa sông) đánh bể hầm chứa nước ngọt ở mũi ghe, nước lợ (nước mặn) tràn vào và hầm nước ngọt xem như bỏ, không uống gì được, chỉ còn cầm hơi nhờ mấy bao củ sắn (củ đậu) trên ghe!

Ghe chúng tôi bị hải tặc Thailand rượt nhiều lần, nhưng nhờ sự khéo léo của anh Tài Công - chúng tôi đều chạy thoát. Có lúc thấy ghe cướp biển Thái Lan xa ở đằng sau đuôi ghe chúng tôi. Nhưng sau đó có khi lại thấy thuyền của Thai pirates ở trước mặt chúng tôi trên biển rộng mênh mông! Có lần không bắt kịp được - chúng tức tối bắn vào ghe chúng tôi và đầu đạn chì rớt lộp bộp trên mui ghe (vì khoảng cách đã quá xa, đạn không đủ sức công phá), tiếng kêu nghe như mưa đá rơi trên nóc ghe trong trời nắng chói chang. Có người trên ghe nói rằng biết đâu nhiều khi là bọn công an biên phòng Việt Cộng giả dạng làm hải tặc Thái Lan để bắn người vượt biên không chừng, khoảng cách xa quá nên chúng tôi không nhận dạng ra được ghe của họ (và trên ghe của họ cũng không thấy treo cờ nước nào).

May mắn thay, những lúc bọn hải tặc Thái Lan rượt thì ghe chúng tôi không bị hư máy, còn những lúc ghe hư máy (do chạy quá sức để không bị cướp biển Thái tấn công) phải thả trôi lênh đênh trên mặt biển sửa chửa thì lại không gặp bọn man rợ này; nếu không, chắc chắn thảm cảnh sẽ xảy ra, vì trên ghe đàn bà con gái đẹp cũng nhiều và chúng tôi không có vũ khí để tự vệ, chỉ có tiếng Niệm Phật cùng tiếng Cầu Chuá râm ran trên ghe những khi bị cướp rượt.

Hải Bàn đem theo đã bị hư, mũi tên trên La Bàn cứ chỉ về hướng Nam, những khi ghe nhảy sóng - hải bàn cũng không thay đổi phương hướng. Các anh lớn bảo tụi tôi ráng tát nước đi, ngày mai sẽ đến Mã Lai... Bọn tôi không đi vào Vịnh Thái Lan (Gulf of Siam) để tránh cướp biển, ngày nào chúng tôi cũng tát nước đừ tay và rã rời cả người nhưng chẳng thấy Malaysia đâu cả. Các vết chai (hắc ín, nhựa đường) trét vào những mối nối của thành ghe đã bung, bị vỡ từ lâu; không tát thì nước biển tràn vào chìm ghe, tát nước thì nước vẫn vô từ từ... Chúng tôi sắp sửa chết khát trên biển nước mặn bao la, có người thử cho rất nhiều chanh (lemon) vào một lon nước biển múc lên, nhưng cũng vẫn mặn chát, không thành nước chanh muối để có thể uống được.

Phụ nữ và con nít nằm la liệt trên khoang ghe vì say sóng và bị ói mửa, kiệt sức do không có gì để ăn uống. Anh Tài Công phụ (anh Vinh) bị văng xuống biển, chúng tôi tắt máy ghe vòng đầu lại vớt anh; may là tai nạn xảy ra ban ngày, nếu ban đêm thì chúng tôi đành.... vĩnh biệt anh (bởi không thấy đường để cứu).

Chúng tôi cũng gặp vài tàu ngoại quốc, nhưng không chiếc nào cứu, có cả tàu dầu cuả Bắc Hàn đi ngang qua; chúng tôi nhận ra do cờ cộng sản North Korea treo trên tàu cuả họ.

Tôi ngồi sau đuôi ghe, gần phòng máy và tát nước như phản xạ; cứ múc lên rồi đổ ra biển, động tác nhàm chán được lập đi lập lại cho đến khi kiệt sức thì tạm ngưng một lát; ông Tư đói quá và lấy ống sữa đặc đem theo đổ vô tôm khô mời tôi ăn, nhưng cho dù đang đói lả tôi cũng không thể nuốt trôi được cái món đặc biệt mà tôi mới thấy lần đầu tiên này, do ông Tư sáng chế ra; khát quá nên ông cũng đã uống lại chính nước tiểu cuả ông.

Những bao gạo đem theo trên ghe cũng bị sóng biển làm ướt mặn hết, không nấu nướng gì được; sau 3 ngày và 4 đêm - Tử Thần đang dần dần đến với mọi người chờ chết vì đói khát và kiệt sức; tôi hình dung cái chết đang tới từ từ với mình như thế nào, hồi tưởng lại lần chót những khuôn mặt thân yêu trong gia đình: Cha Mẹ, các em... thì trong đêm 11.04.1981 chiếc tàu Đức Cap Anamur đã đến cứu vớt chúng tôi!

Thoạt đầu chỉ nhìn thấy một đốm sáng từ xa như ánh đèn của một dàn khoan dầu trên biển mênh mông, nhưng dần dần điểm sáng ấy đến gần ghe chúng tôi hơn và ngày càng sáng hơn trên mặt biển tối đen. Họ tắt máy tàu để đừng gây ra sóng lớn làm lật ghe chúng tôi, trên tàu đồng bào Việt Nam được vớt trước chúng tôi đứng đông đúc lố nhố để xem ghe được cứu ban đêm. Bổng nghe có tiếng loa Megaphone phát ra bằng Việt Ngữ: "Đây là tàu Tây Đức đi cứu vớt Thuyền Nhân Việt Nam vượt biển! Xin đồng bào bình tĩnh, đừng hoảng sợ! Chúng tôi sẽ đem tất cả mọi người lên tàu!".

Chúng tôi lặng người đi vì xúc động, nước mắt ràn rụa trên mặt vì biết mình sẽ được sống tiếp. Nhiều người trên ghe hò reo vui mừng, có người niệm Phật, có người tạ ơn Chúa cho chúng con hồi sinh...

Thanh niên bọn tôi leo thang dây lên tàu, còn phụ nữ trẻ em và những người lớn tuổi hoặc yếu đuối thì được đưa lên bằng cần cẩu bốc hàng như đang câu hàng hoá.

Thuyền chúng tôi bị đục chìm để bảo toàn an ninh giao thông đi lại trên biển, chỉ có những ghe nào đặc biệt (đông người, bị cướp nhiều lần, v.v...) thì mới được giữ lại và đem về triển lãm trên đất liền.

Chúng tôi được cho uống trà đường (hôm sau được ăn cháo, ngày sau nữa mới ăn cơm), vì bao tử đang yếu sau mấy ngày không ăn uống, nhịn đói nhịn khát trên biển... Ngoài ra, cũng được phát mỗi người 1 áo thun trắng (T-Shirt) có in chữ "Cap Anamur, Search and Rescue" ("Cap Anamur, Tìm Kiếm và Cứu Vớt"), 1 quần Short và 1 đôi dép nhựa. Hai chân tôi cứ có cảm giác như hụt hẩng bồng bềnh trên sàn tàu - do chưa quen đi lại trên boong tàu vững chắc như một toà nhà khổng lồ. Nhìn xuống biển mênh mông - thấy ghe vượt biên của mình (trước khi bị đục chìm) còn nhỏ hơn một chiếc lá giữa giòng nước bao la... Thật là gan dạ cho những ai đã dám vượt biên, thà chết trên biển Đông còn hơn sống với cộng sản; hoặc là do... "điếc không sợ súng" nên mới liều mình ra đi, tìm cái Sống trong sự Chết.

Trước chúng tôi đã có 8 ghe được cứu vớt với tổng cộng là 420 người, chúng tôi là ghe thứ 9 (ghe duy nhất được cứu vào ban đêm), nâng tổng số Thuyền Nhân của chuyến Cap Anamur thứ 19 này lên 466 Boat-People (Cap 19/466). Cũng may nhờ một phụ nữ Việt Nam trên tàu bị sẩy thai và Cap Anamur phải mang chị ấy vào Bệnh Viện ở Singapore, trên đường đi thì trực thăng cuả Cap Anamur phát hiện ra chúng tôi và sau đó là chúng tôi được cứu vớt. Cảm ơn chị Việt Nam này, cho dù tôi không biết mặt, không biết tên! Cảm ơn Cap Anamur! Cám ơn Cap Anamur Committee! Cảm ơn Thuyền Trưởng Wangnick (đã từ trần, tôi có gọi điện thoại lên Hamburg chia buồn với bà quả phụ Wangnick).

Tân Gia Ba không nhận chúng tôi tạm cư, từ trên tàu nhìn vào Hải Cảng ban đêm - cảng Singapore đèn điện sáng rực, thấy xứ người ta giàu mạnh mà buồn cho nước mình không có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền.

Ngày hôm sau Cap Anamur quay đầu lại và chạy về Phi Luật Tân; tôi đã khóc vì quá xúc động khi lần đầu tiên trên tàu được nghe các nhạc phẩm "Người di tản buồn" của anh Nam Lộc, "Ai về xứ Việt" (1978) của anh Phan Văn Hưng và một số Nhạc Phẩm khác (không rõ Tác Giả) do chị Nguyệt Ánh hát.

Sau 5 ngày lênh đênh trên biển - ngang qua Indonesia (Nam Dương) - chúng tôi đến Puerto Princessa City của Palawan Island (1 đảo lớn nằm về phiá Tây Nam cuả Philippines) ngày 16.04.1981, ngay vào ngày lễ Phục Sinh (Easter) của năm 1981, tạ ơn Trời Phật cho chúng tôi được phục sinh, tạ Ơn Trên cho chúng tôi được sống lại.

Mỗi sáng Thứ Hai đầu tuần - chúng tôi đều tham dự lễ Chào Quốc Kỳ Vàng 3 Sọc Đỏ và hát Quốc Ca VNCH trong sân trại Palawan (trước Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn, Khu 3), sau đó là Một Phút Mặc Niệm để Tưởng Niệm tất cả đồng bào đã bỏ mình trong biển cả trên bước đường vượt biên và cũng không quên đồng bào còn đang lầm than ở quê nhà trong ngục tù bao la của tà quyền Việt Cộng.

Sau gần 7 tháng lăn lóc cực khổ ở PRC (Philippines Refugee Camp) Palawan và PRPC (Philippines Refugee Processing Center) Bataan (gần Morong), chúng tôi lên JFC (Joe Fabella Center) Manila ở 1 tuần để đi định cư và đến Tây Đức ngày 04.11.1981 vào một ngày đầu mùa Đông lạnh lẽo, tuyết rơi trắng xoá nhưng chúng tôi đã đến được bến bờ Tự Do! Cảm ơn Thế Giới Tây Phương mở vòng tay, cảm ơn Đại Đức Thích Giác Lượng (nay là Thượng Toạ, trụ trì ở một Chùa tại San Jose) đã cho chúng tôi tá túc sau Hậu Liêu của Chùa Việt Nam trong Trại Tỵ Nạn Palawan! Cảm ơn Soeur Pascale Lê Thị Tríu (là bạn học chung lớp ngày xưa với Imeda Marcos) đã cho chúng tôi tạm cư ở Nhà Tập Thể Khu 1 .

Kỷ niệm khó quên khác là chị Điền và anh Lạc đã ra đi vĩnh viễn - nằm lại trên đảo ngàn thu vì cố gắng cứu 3 em bé Việt Nam tắm biển (Trại nằm kế bờ biển) bị sóng lớn kéo ra xa và 2 anh chị này đã chết đuối, cả 3 em bé VN thì được cứu sống! Thật đau buồn, đi vượt biên không chết trên biển, mà lại tử nạn khi đã lên bờ... Tôi có vào nhìn mặt hai anh chị lần cuối, khi quan tài cuả 2 anh chị còn được quàn trong Nhà Thờ Việt Nam (đối diện với Chùa Phật Giáo VN).

Trong thời gian ở Palawan tôi làm Thông Dịch Viên tình nguyện (Volunteer) cho "The Philippines Red Cross" (Hội Hồng Thập Tự Phi Luật Tân) và phải phỏng vấn, ghi vào biên bản những đồng bào bị hải tặc tấn công để làm Hồ Sơ tường trình cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Có chị kể rằng khi còn tỉnh còn đếm được là bị cướp biển Thái Lan hãm hiếp 13 lần, khi chị ngất xỉu đi thì không biết còn bao nhiêu đợt sau đó nữa! Tôi nghe mà uất hận và căm thù bọn hải tặc Thái đến tận xương tủy. Xin tất cả mọi người Việt Nam đừng bao giờ quên những cảnh thương tâm này, vững lòng nung nấu ý chí tranh đấu, chân cứng đá mềm, tiếp tục kiên trì kháng Cộng phục Quốc cho đến ngày thành công! Cho dù đời mình có qua đi, cũng hãy làm sao cho Thế Hệ Nối Tiếp theo bước chúng ta trên con đường đấu tranh diệt Cộng, Quang Phục Quê Hương VIỆT NAM! Còn đời mình thì "Không thành công cũng thành nhân!" (Lời cuả cố Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, VNQDĐ, ông hy sinh khi mới có 25 tuổi).

Tổ Quốc VIỆT NAM Muôn Năm! Dân Tộc VIỆT NAM Trường Tồn!

Giải trừ bạo quyền Cộng Sản VN buôn dân bán nước để bảo tồn Đạo Đức, Văn Hoá VIỆT, để gìn giữ đất nước Việt Nam không rơi vào họa diệt vong cuả Trung Cộng!

Tây Đức, ngày 07 tháng 07 năm 2006

Viết để kính tặng tất cả những Đồng Bào đã bỏ mình trong biển Đông trên bước đường Tỵ Nạn cộng sản VN.

Kính dâng lên Hương Linh của người Cô ruột, cô Trương Thị Cẩm Ái, mất tại trại Bataan, Morong, the Philippines.

Hoàng Trọng Quý
(ex Boat-People, Cap 19/466)

February 22, 2008

http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%e2%80%a2F%15