Friday, January 22, 2010
ĐI THEO NGỌN CỜ VÀNG!
ĐI THEO NGỌN CỜ VÀNG!
Sự kiện Phạm Ngọc khởi tố Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan (CDVNTNCS/HL) bởi những cuộc biểu tình chống giao lưu văn hóa do Ban Thường Vụ Cộng Đồng (BTV/CD) tổ chức đã chấm dứt bằng phán quyết hoàn toàn thuận lợi cho CDVNTNCS/HL. Trọng trách yểm trơ. BTV/CD trong vụ kiện này đã hoàn thành. Ngày 5 tháng 9 năm 2004, theo tinh thần nội quy đưa ra, phiên họp nhằm giải thể Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Người Việt Quốc Gia tại Hòa Lan đưọc tổ chức tại nhà anh Trần Hữu Sơn, đã là khởi điểm cho một công tác mới. Đúng thế, chuỗi thời gian 30 năm - 1975-2005 - hằn sâu như vết thương trong tâm thức của những tấm lòng Việt Nam còn thao thức trước vận mệnh quê hương đất nước. Câu hỏi được đặt ra không phải là làm hay không, mà sẽ làm gì và làm với những ai?
Theo anh Đào Công Long nên có một phái doàn Việt Nam tham dự cuộc đi bộ 4 ngày (The Four Days Marches) từ 19 đến 22 tháng 7 năm 2005 tại Nijmegen để vinh danh cờ vàng. Ý niệm này khởi đi từ một chiến thắng khác của Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan trong việc hạ lá cờ máu tại hải cảng Rotterdam vào năm 2001. Lúc ấy anh Long với tư cách phó chủ tịch ngoại vụ cộng đồng chịu trách nhiệm chính trong việc hạ cờ. Giữa cao điểm của chiến dịch một phái đoàn VN với Phạm Văn Sáng và Nguyễn Điền Lăng đã tham gia cuộc đi bộ 4 ngày nhằm mục đích vinh danh cờ vàng yểm trợ cho việc hạ cờ máu. Mọi người hiện diện tán thành ý kiến được đưa ra, phân chia công tác và lên chương trình tập dợt. Số nhân sự tham gia đầu tiên gồm: Đào Công Long, Lưu Phát Tấn, Nguyễn Trung Cang và Nguyễn Điền Lăng. Sau thời gian liên lạc có thêm sự hưởng ứng của một số anh chị em khác tại Hòa Lan cũng như Đức, Mỹ và Pháp.
Để có thể đi được 4 ngày, vượt qua đoạn đường hơn 120 km, tương đương với 75 miles kia, anh em trong nhóm đã bỏ ra hơn 6 tháng dể chuẩn bị và tập dợt trong mọi hoàn cảnh thời tiết, qua các địa hình khác nhau và mỗi người đi trung bình hơn 450 km.Từ những con đường trong thành phố, công viên ra tới ngoại ô trong cơn mưa âm ỉ bám theo từng bước chân tại Den Bosch, đến những lối mòn quanh co tuyết phủ giữa cơn gió bấc lạnh cắt da trong cánh rừng bạt ngàn tại Soest. Từ con đê lờ lững theo giòng sông Ijssel qua những đồng cỏ lộng gió dài bất tận ở Capelle, đến những đoạn đường đèo lên xuống chập chùng trong cái nắng chói chang tại Nijmegen. Ngoài những lần tập chung hàng tháng, về nhà mỗi người hàng tuần thu xếp tập riêng. Mọi người tự ép mình vào khuôn khổ theo chương trình tập luyện. Thực hiện được điều này ngoài nhiệt tình và sự hy sinh còn đòi hỏi một ý thức cao độ về tinh thần kỷ luật tự giác của mỗi thành viên. Đã có những người chân bị xưng, phòng da, chẩy máu và ngã bệnh sau những lần tập đầu tiên để rồi sau đó phải bỏ cuộc. Dự định phái đoàn có sự hiện diện của thành viên từ Đức, Mỹ và Pháp vì nhiều lý do khác nhau cuối cùng chỉ còn lại bạn Bùi Thanh Thảo đến từ Mỹ tham dự. Riêng tại Hòa Lan ngoài bốn thành viên lúc đầu còn có bạn Trương Phi Hoàng thuộc thế hệ thứ ba tham gia, nâng số nhân sự lên sáu người.
Tưởng cũng cần nói sơ qua về cuộc đi bộ 4 ngày và thành phố Nijmegen. Vơí địa thế chiến lược quan trọng, từ 2000 năm trước Nijmegen được chọn làm cứ điểm quân sự của đoàn quân viễn chinh La Mã. Nếu trong lãnh vực văn hóa Nijmegen được biết đến như một thành phố cổ kính nhất của Hòa Lan, thì trong quân sử thế giới địa danh Nijmegen gắn liền với chiến dịch Market Garden, nơi xẩy ra những trận đánh khốc liệt, đẫm máu thời Đệ Nhị Thế Chiến. Mùa thu năm 1944 thống tướng Montgomery mở đầu chiến dịch với lực lượng chủ lực gồm ba sư đoàn Nhẩy Dù (sư đoàn 82, sư đoàn 101 "screaming eagle" Nhẩy Dù Mỹ và sư đoàn 1 Nhẩy Dù Anh) được tung vào trận địa. Một trong những cuộc đổ quân nhẩy dù lớn nhất trong quân sử được thực hiện để mở đường tiến vào Đức. Kế hoạch táo bạo này đã chấm dứt với một kết thúc thật bi thảm cho phe Đồng Minh bởi sự có mặt ngoài dự đoán của thống tướng Model cùng hai sư đoàn thiết giáp 9 và 10 của dạo quân SS Đức Quốc Xã tại mặt trận. Sự kiện này được diễn lại trong phim A Brigde Too Far với các tài tử điện ảnh như Sean Connery, Robert Redford, Anthony Hopkins, James Caan, Gene Hackman, Ryan O 'neal, Michael Caine.
Nay địa danh Nijmegen gắn liền với cuộc đi bộ vĩ đại nhất thế giới được tổ chức hàng năm và năm 2005 là lần thứ 89. Ngoài truyền thống và qúa khứ lịch sử lâu đời nhất trên thế giới, đây cũng là một trong những sự kiện thể thao có tầm vóc với số lượng người tham gia lớn nhất trong các chương trình thể thao quốc tế. Thật vậy với số lượng ghi danh kỷ lục là 53.336 tham dự viên trong đó có 5.000 quân nhân thuộc các quân binh chủng đến từ nhiều quốc gia ban tổ chức đã phải bốc thăm vì chỉ có đủ chỗ cho 43.500 người (dữ kiện từ trang nhà http://www.4daagse.nl). Số lượng tham dự viên chính thức tham gia ngày dầu là 43.206 người (báo Algemene Dagblad số ra ngày 23/7/2005).
Việc giới hạn số lượng người tham dự là một mối lo cho anh em. Sẽ giải quyết ra sao nếu không được bốc thăm trúng? Mọi người đồng ý - sẽ đi hết con đường đã chọn!!! - dù trúng thăm hay không. Rất may, ngoài Trương Phi Hoàng (Hòa Lan) và một cô bạn trẻ từ Mỹ, những người còn lại ai cũng trúng thăm. Việc liên lạc bạn Bùi Thanh Thảo do anh Trần Hữu Sơn thực hiện. Anh Sơn và tôi ra đón Bùi Thanh Thảo tại phi trường. Về tới nhà có thêm anh Lưu Phát Tấn đến thăm. Sau khi ăn uống qua loa và nghỉ một chút chúng tôi bắt đầu tập dợt. Thử xem "chân cẳng" và sức khỏe Bùi Thanh Thảo ra sao sau chuyến bay dài hơn 20 tiếng đồng hồ?. Ngày hôm sau mọi người lên nhà anh chi. Đào Công Long dùng cơm và cả nhóm tiếp tục tập dợt. Ngày di bộ đã cận kề, tinh thần mọi người lên rất cao và nôn nao chờ nhập cuộc. Công tác cho bốn ngày được chỉ định với anh Tấn cho việc lo địa điểm "đóng quân", anh Cang chịu trách nhiệm ấn định tốc độ và thời gian nghỉ, anh Long giữ vai trò y tá (phe ta chơi sang, dùng một ông bác sĩ thứ thật làm y tá). Riêng cá nhân người viết bài này vì không có khả năng chuyên môn nên ngay từ đầu "đươ.c" anh em chỉ định làm trưởng đoàn.
Đoàn người đi bộ khởi hành lúc 7h45 sáng. Hàng chục ngàn người náo nức chờ lên đường làm thành phố bừng lên sức sống. Dù sớm như thế nhưng vẫn có người đứng cổ võ dọc đường. Tiếng nhạc, tiếng reo hò tạo thành một không khí thật đặc biệt. Giòng người càng lúc càng rời xa thành phố đi về vùng quê Hòa Lan. Những ngôi làng nhỏ nhắn, đẹp đơn sơ, bình dị với cánh đồng phủ sương sớm cùng bầy bò, đàn trừu ngơ ngác nhìn đoàn người lũ lượt đi. Con đê chạy ngoằn ngèo dọc theo giòng sông, bên dưới nước lững lờ trôi hiền hòa và bên kia sông là cánh rừng xanh ngắt. Dọc đường hầu như lúc nào cũng có dân làng đứng xem, cổ động tinh thần, tặng bánh trái, hoa qủa, nước uống. Làng nào cũng có những dàn nhạc sống hay mở nhạc từ máy liên tục thật vui nhộn. Trên những khán đài danh dự thị trưởng và chức sắc địa phương đứng vẫy tay chào đoàn người đi ngang. Ngoài những tham dự viên dân sự đến từ nhiều quốc gia mà chúng tôi thấy được cờ của họ hoặc có dịp trao đổi như Nhật, Do Thái, Gia Nã Đại, Nam Dương còn có nhiều đơn vị của quân đội các nước như Anh (có cả thiếu sinh quân), Tô Cách Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Na Uy, Đức, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi và một số đến từ Đông Âu, v.v... Sự hiện diện của các toán quân và những bài hát trên đường đi tạo thành một cảnh tượng hùng tráng. Dọc đường thỉnh thoảng chúng tôi hát những bài như Cờ Bay Cờ Bay, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và bài hò leo núi. Ngoài lá cờ vàng mang theo, còn có lá cờ Hòa Lan (nói lên sự tham dự của người Việt tại Hòa Lan) cũng như lá cờ Mỹ (vì có Thảo đến từ Mỹ). Lá cờ của chúng ta mỗi ngày đều được nhiều người quan tâm. Họ hỏi cờ nước nào? Phái đoàn đến từ đâu, v.v... Nhiều người nhận ra lá cờ Việt Nam đã la lớn Việt Nam - Việt Nam và giơ ngón tay cái lên tỏ ý hoan nghênh làm anh em rất cảm động. Đặc biệt trong số những người tham dự chúng tôi thấy có cả những thiếu nhi 12 tuổi (lứa tuổi tối thiểu có thể tham dự) và những cụ ông, cụ bà lớn tuổi. Trong đó có một ông cụ 82 tuổi tham gia lần thứ 26 và đi với khoảng cách 50km. Nhiều người đi phải chống gậy hoặc chân thấp, chân cao vì sức khỏe không được tốt hay bị thương tật. Đây là những người có ý chí và nghị lực rất cao, họ muốn đi một lần trong đời đoạn đường dài gai góc kia. Những hình ảnh và mẫu chuyện như thế càng thúc đẩy anh em thêm cố gắng. Có lần chúng tôi gặp một toán quân Thụy Điển, anh lính trẻ tóc đen khi nhìn thấy chúng tôi với lá cờ Việt Nam vội vàng la lớn "Việt Nam - Việt Nam" và lấy tay chỉ vào ngực áo mình, trên đó có bảng tên đề chữ TRAN. Anh ta rời đoàn quân và chúng tôi cũng ngưng, tay bắt mặt mừng như đã quen từ rất lâu, ai cũng xúc động. Lá cờ, mẫu số chung của chúng ta, quả là gạch nối kỳ diệu.
Một điều cảm động khác là có những người muốn được cầm cờ đi chung. Trong số đó có Maruska, cô sinh viên Luật Khoa năm thứ nhất, đã để lại cho anh em chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ. Maruska tham gia năm đầu với khoảng cách là 30km, năm thứ hai 40km và năm nay đi 50km mỗi ngày (tổng cộng = 200km, khoảng 125 miles). Ghi danh hai người, một người bị loại, cô ta quyết định di một mình. Ngoài tính tình cương quyết và nét mặt dễ thương (mẹ Hòa Lan, bố Ý Đại Lợi), cô ta còn nói giỏi nhiều ngoại ngữ và có một kiến thức rất rộng so với tuổi đời. Mê đọc sách, biết nhiều về lịch sử Việt Nam, Maruska kể vanh vách những nhân vật lịch sử trong cuộc chiến Quốc Cộng và những giai đoạn lịch sử 1945-1954-1973-1975 v.v. Chúng tôi trao đổi dọc đường về Karl Marx, Lenin, Stalin về Mao. Maruska rất ghét chủ nghĩa Cộng Sản. Cô ta cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản là lầm lỡ lớn nhất của nhân loại. Maruska hồn nhiên kể cho chúng tôi nghe những cuộc tranh luận về ý thức hệ, về chủ nghĩa Cộng Sản với những sinh viên năm thứ 3 môn Xã Hội học mà cô ta đã thắng với nụ cười thích thú pha lẫn chút tự hào trẻ thơ. Cô ta ngỏ ý muốn được cầm lá cờ vàng và đã cầm cờ đi chung phái đoàn như thế suốt nhiều tiếng đến tận đích, dù rằng lúc ấy chân cô ta đã bị phồng và đi đứng rất khó khăn. Được hỏi đau như thế thì ngày mai có tiếp tục nữa không? Maruska trả lời "còn đi được thì cứ đi, không bao giờ bỏ cuộc". Ngày thứ hai trời lạnh lẽo, xám ngắt, mưa nhiều và gió lộng. Chúng tôi sau khi đến đích, đang đứng trú mưa tại trạm ghi danh cũng là lúc Maruska đến nơi. Cô ta trông rất tiều tụy, không còn đi nữa mà lết từng bước. Vừa thấy anh em và nghe chúc mừng đã về đến đích, cô ta ôm chầm lấy chúng tôi khóc nức nở. "Cố lên Maruska! Hãy cười trên mọi đớn dau - vượt qua 100km với hai bàn chân nát bấy là một thành tích phi thường" chúng tôi an ủi Maruska trong nỗi xúc động xen lẫn cảm phục. Sau đó hai người y tá đến dìu cô đi và từ đó chúng tôi không còn gặp lại cô bé dễ thương này nữa. Hai ngày đầu cũng là hai ngày mà ban cứu thương rất bận rộn, trực thăng cứu thương vần vũ suốt ngày và xe cứu thương thổi còi inh ỏi. Lúc về đi ngang bệnh viện thấy chật ních người. Số lượng người bỏ cuộc trong hai ngày này là 1.880 người trong ngày đầu và 1.851 người trong ngày thứ hai. So với hai ngày đầu, ngày thứ ba với 932 người và ngày thứ tư với 318 người bỏ cuộc thật chẳng thấm vào đâu (trong số 43.206 người tham dự sau 4 ngày chỉ còn 38.225 người đến đích. Tổng số người bỏ cuộc trong 4 ngày là 4.981 người - tỷ lệ 11,52% - theo Algemeen Dagblad số ra ngày 23 tháng 7 năm 2005).
Ngày thứ 3, ngày leo bẩy ngọn đồi, tuyến đường khó và mệt nhất của 4 ngày đi bộ. Lộ trình đi ngang nghĩa trang quân đội Đồng Minh, nơi yên nghỉ của những người nằm xuống trong chiến dịch Market Garden như đã kể ở trên. Nghĩa trang nằm trên một trong bẩy ngọn đồi. Hôm nay quân đội Hòa Lan tổ chức nghi lễ truy điệu những người trai đã hy sinh tuổi xuân của mình cho lý tưởng tự do .
Thời gian chuẩn bị và trong 4 ngày đi bộ mọi người ngủ thật ít, những giấc ngủ kéo dài 2 tiếng rưỡi, 3 tiếng rưỡi, đêm nào nhiều lắm được 5 tiếng đồng hồ. Sau những đêm dài thiếu ngủ cùng những vết thương ở chân, đáng lẽ ngày cuối phải là ngày mệt mỏi và đáng sợ nhất, nhưng càng đi càng khỏe và sức lực càng tăng. Sự hoạt động liên tục của thể xác trong thời gian dài cùng niềm vui có được qua việc làm ý nghĩa đã làm mọi người tự tin, khỏe, hăng hái và quên mỏi mệt. Anh Ngô Tấn Hoàng và cháu Trương đã hai lần đón hụt. Cuối cùng gặp được anh em với một bó hoa thật lớn được chuyền tay đến mọi người dưới cơn mưa đẫm ướt. Sau lời chúc thành công và tấm hình chụp vội, phái đoàn chia tay trong bước chân quyến luyến.
Tinh thần mọi người lên rất cao, tốc độ được tăng lên trung bình 6 km / 1 giờ, quãng đường có vẻ ngắn hơn bình thường, càng về gần đến đích khán giả càng đông, suốt nhiều cây số khán giả đứng nghẹt hai bên đường. Được biết ngày đến đích hơn 900.000 người đổ về Nijmegen để xem. Các nẽo đường kẹt cứng xe cộ. Nhiều người ra đi từ rất sớm để có thể có một chỗ ngồi tốt. Các khán đài dọc đường chật cứng quan khách. Khán đài danh dự gồm thị trưởng thành phố, thứ trưởng, bộ trưởng và tướng tá trong quân đội Hòa Lan cũng như trong khối NaTo.
Phái đoàn Việt Nam trong chiếc áo thun vàng và lá đại kỳ 4 người bốn góc gồm có anh Lưu Phát Tấn, Đào Công Long phía bên phải và Trương Phi Hoàng, Nguyễn Trung Cang phía bên trái cùng với Bùi Thanh Thảo (cờ Hòa Lan), Nguyễn Điền Lăng (cờ Việt Nam) dẫn đường, tuy ít người nhưng tạo thành một hình ảnh khá đặc biệt so với những cá nhân và phái đoàn khác. Việc cờ Hòa Lan được mang theo có lẽ đã gây được cảm tình của khán giả do đó phái đoàn Việt Nam được chào đón bằng những đóa hoa giữa bao tiếng tiếng reo hò, vỗ tay ủng hộ của hàng ngàn khán giả suốt hàng nhiều cây số. Những âm thanh kia cộng thêm với tiếng nhạc liên tục từ bên đường của các dàn nhạc, ban quân nhạc và những đoàn người, đoàn quân đi chung với đủ mầu sắc tạo nên một không khí, khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt. Xúc động biết bao khi thấy cờ Việt Nam lồng lộng trong gió cùng quốc kỳ của các quốc gia khác. Càng xúc động hơn khi cô Wenda cùng các cháu Lan, Vinh, gia đình anh Nguyễn Trung Cang và Việt con anh Tấn, cũng như Loan, vợ Thảo ra đón với ngọn cờ vàng phất phới từ xa. Các cháu chạy ra trao qùa là những lá cờ đeo trên ngực. Số qùa này có lẽ các cháu đã cặm cụi làm rất lâu cho bố, các bác, các chú. Nước mắt tôi rưng rưng cúi đầu cho các cháu choàng vòng cờ trước ngực. Cháu Vinh 10 tuổi cuốn lá cờ vào người hãnh diện di theo phái đoàn. Chiều hôm đó hình ảnh phái đoàn Việt Nam được trình chiếu trong phần tin tức của đài truyền hình tỉnh Gelderland về cuộc đi bộ 4 ngày. Trang nhà của ban tổ chức Hòa Lan http://www.4daagse.nl trong phần phóng sự bằng hình về 4 ngày đi cũng có một tấm hình của phái đoàn Việt Nam.
Sự việc dù đã qua từ mấy ngày trước, nhưng khi ghi lại những giòng này cảm xúc vẫn còn như rất mới. Có đi qua đoạn đường của 4 ngày, nhìn những bàn chân phồng căng của Hoàng, anh Long, anh Cang và anh Tấn với những vết thương rướm máu lột da đến lần thứ hai, thứ ba. Có thấy số lượng người dọc hai bên đường, nghe những âm thanh, tiếng vỗ tay reo hò, và có nhìn lá cờ vàng ngạo nghễ tung bay mới hiểu tại sao có người đã không ngăn được nước mắt. Nụ cười rạng rỡ, tự hào được một lần vinh danh lá cờ thiêng liêng của tổ quốc hôm ấy có vị mặn, vị mặn của máu, mồ hôi và nước mắt, thấm thía hơn ý nghĩa cao cả, bi tráng của lần dựng cờ tại cổ thành Quảng Trị hè 1972 và Phú Văn Lâu năm 1968 mà nhà văn Phan Nhật Nam đã bao hàm trong câu thơ :
"Vạn quân dân đã một lần bật khóc,
Khi lá cờ vàng ba sọc đỏ bay cao,
Giữa mù sương xứ Huế sáng xuân nào".
Hồi tưởng lại thời gian tập luyện và 4 ngày đi bộ đã qua, nhớ đến ý chí và sự cố gắng vượt bực của anh Lưu Phát Tấn, 60 tuổi, cựu quân nhân VNCH thuộc thế hệ thứ nhất, với cổ chân bị chấn thương từ nhiều năm trước và nỗi khát khao: "Anh muốn được một lần, dù chỉ một lần thôi trong đời, được đi để vinh danh lá cờ của chúng ta" và lời tâm sự trong bước đi khập khễnh của những lần tập dợt "Đau qúa em! Nhưng phải gắng". Cũng như nghị lực của anh Đào Công Long từ một người không quen thể thao trở thành một tay đi bộ lão luyện. Sự hiện diện bền bỉ, có tác dụng khích lệ của anh Nguyễn Trung Cang, thế hệ thứ hai cùng nhiệt tình và sự quyết tâm của Trương Phi Hoàng, thế hệ thứ ba, dù không trúng thăm nhưng vẫn không nản lòng bỏ tập và đã đi đến đích. Sự giúp đỡ của gia đình anh Trần Hữu Sơn trong việc tổ chức chương trình đi bộ cùng sự quan tâm của anh Sơn và anh Tửng (đến từ Seattle) qua những cú điện thoại viễn liên hàng ngày thăm hỏi, khuyến khích phái đoàn đã là một khích lệ lớn cho anh em. Đặc biệt sự tham dự của một quân nhân trẻ thuộc thế hệ thứ ba, anh Bùi Thanh Thảo, người được biết đến qua việc cắm cờ vàng tại chiến trường Irak, mang đầy ý nghĩa và làm ấm lòng phái đoàn và bà con đồng hương tại Hòa Lan. Anh Thảo đến một nơi rất xa, gặp những người rất lạ để cùng nhau thực hiện giấc mơ "vinh danh cờ vàng".
Những giòng này được viết như một lời đa tạ để gởi đến gia đình anh chị Trương Hải, chi hội trưởng Gia Đình Phật Tử Nijmegen, đã lo cho phái đoàn có nơi tá túc và những bữa cơm trong không khí gia đình trong hai ngày đầu của cuộc đi bộ, anh Đoàn Văn Khoa, phó chủ tịch ngoại vụ Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Châu Âu đã đến thăm và ủy lạo phái đoàn, gia đình anh Trí đã thức sớm mỗi ngày đưa phái đoàn ra điểm khởi hành và đón phái đoàn sau khi đi bộ về, tấm lòng của gia đình bác Minh tại Nijmegen, gia đình anh chi. Tửng đến từ Seattle, những người bạn Hòa Lan, gia đình đỡ đầu của Trương Phi Hoàng đã đến từ địa phương khác để cổ võ phái đoàn trong nhiều ngày. Ghi nhận tấm lòng được biểu lộ qua những nhánh hoa, lon beer của anh Hoàng, anh Lân cư dân tại Nijmegen cũng như gia đình anh Nguyễn Thọ, Đoàn Văn Khoa, Hồ Cảnh Thuần, chị Trần Thị Ngát đã đóng góp những món ăn trong đêm liên hoan. Những giòng này cũng được gởi đến các chị, những người vợ của những thành viên tham dự cuộc đi bộ 4 ngày, như một lời ghi nhận chân thành và trân trọng nhất cho sự hy sinh, chịu đựng và đóng góp âm thầm của các chi, những người luôn sát cánh và giúp anh em chúng tôi hoàn thành tâm nguyện của mình.
Đêm liên hoan tường trình về chuyến đi với phần trình bầy dương ảnh qua anh Nguyễn Trung Cang đã được tổ chức trong không khí gia đình ấm cúng và thân mật với sự hiện diện của hơn 50 quan khách tham dự, trong dó có anh Nguyễn Hữu Phước, tổng thư ký Cộng Đồng, anh Đoàn Văn Khoa, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, anh Phạm Trương Long và chị Yến đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do đến từ Đức và anh chị Trần Phú đến từ San Diego/Hoa Kỳ. Đặc biệt ông Lê Quang Kế, hội trưởng Gia Đình Quân Cán Chính VNCH/Hòa Lan, với những lời lẽ chân tình cùng những huy chương trao tặng và nhiều đóng góp khác của Gia Đình Quân Cán Chính VNCH đã là những yếu tố giúp đêm liên hoan thành công. Đêm liên hoan với ban văn nghệ bỏ túi gồm chị Miên Thụy, anh Nguyễn Hữu Phước và anh Nguyễn Lê Cường kết thúc với bài hát đầy ý nghĩa "Thắp nến cho quê hương" qua giọng hát của anh Lưu Phát Tấn cùng phần đệm tây ban cầm của anh Đào Công Long. Số tiền bà con tặng ban tổ chức trong đêm liên hoan cũng như trước đó tổng cộng là 385 Âu kim đã được ban tổ chức quyết định trao tặng lại anh Bùi Thanh Thảo. Trước những lời khẩn khoản của ban tổ chức cùng đồng hương hiện diện, anh Thảo cuối cùng đã đón nhận tấm lòng của bà con tại Hòa Lan. Đêm chủ nhật anh em chúng tôi cùng Thảo và Loan đi thăm hải cảng Rotterdam, đến hàng cờ quốc tế treo dọc theo bến cảng, mọi người đứng nhìn cột cờ bỏ trống, nơi lá cờ máu hơn một lần bị hạ.
Sau khi chợp mắt khoảng hai tiếng, mọi người chuẩn bị khởi hành đưa vợ chồng Thảo và Loan ra phi trường. Phút chia tay đầy quyến luyến. Tạm biệt Thảo và Loan, hai người bạn trẻ dễ thương. Cảm ơn hai bạn đã chia xẻ và sống cùng anh em chúng tôi những ngày sống đầy ý nghĩa, rất thực và đẹp đẽ đã qua. Rời phi trường chợt nhớ rằng hôm nay là thứ hai, bắt đầu của một tuần mới. Trong tận cùng mệt mỏi, lòng bình yên và tự tin "Như những nhánh sông cuối cùng rồi cũng đổ về biển cả, sẽ có một ngày những tấm lòng trong sáng thiết tha, cùng chung lý tưởng sẽ một lần hội tụ... ngày ấy quê hương lồng lộng cơn gió mới" vui với sự so sánh kia khi trong đầu vang vang câu hát "Còn nụ cười trên đôi môi, còn trái tim, chân ta còn tới".
30 năm trôi qua, trải qua ba thế hệ nhưng chung một niềm tin, cùng một tấm lòng DỰNG LẠI CỜ VÀNG để thấy rằng quả tình khoảng cách kia dẫu có xa, xa thật và thời gian nọ dù có dài, dài lắm nhưng mọi người đã vượt qua, vượt qua bởi trái tim hằng rực lửa và niềm tin không dời đổi.
Nguyễn Điền Lăng
Về những ngày sống thật của tháng 7 năm 2005 tại Hòa Lan.
http://forums.vietbao.com/topic.asp?TOPIC_ID=34699
http://www.take2tango.com/?display=2720
---