Về Bài Viết “Đáng Sợ Nhưng Quyết Không Khuất Phục” Của Nguyễn Thanh Giang
----------------------------------------------------------------
Bài viết “Đáng Sợ Nhưng Quyết Không Khuất Phục” của ông Nguyễn Thanh Giang là một bài có chủ đích và có thông điệp. Chủ đích như thế nào và thông điệp ra sao?
Chủ đích của bài viết là khéo léo khơi dậy tình tự dân tộc trước hiểm họa Trung Quốc có thể xâm lăng Việt Nam, qua đó đưa người Việt trong và ngoài nước đến cùng một phía, quên đi kẻ thù CSVN là nguồn gốc của mọi ngăn cách và khổ nạn dân tộc phải hứng chịu, trong đó có nạn mất nước.
Thông điệp thuyết phục thì tóm gọn trong 4 chủ điểm:
Thứ nhất, mượn lời khuyên của Lỗ Túc với Chu Du trong cuốn “Tam Quốc diễn nghĩa” để khuyên người Việt hải ngoại không nên tiếp tục dồn áp lực lên lãnh đạo Việt Nam, nếu không sẽ tạo cơ hội cho những Lê Chiêu Thống tân thời tại Việt Nam, mở cửa thành đón giặc Trung Quốc vào chiếm đất nước. [“Đang nói chuyện thì Lỗ Túc đến. Du nói: - Ta muốn cất quân quyết một trận sống mái với Lưu Bị và Gia Cát Lượng để đoạt lại thành trì, Tử Kính giúp ta một tay. Túc nói: - Không nên! Hiện nay ta với Tào Tháo còn đang kình địch, chưa biết được thua thế nào. Vả lại chúa công cũng chưa hạ được Hợp Phi. Ta với Huyền Đức không nên thôn tính lẫn nhau, quân Tào thừa cơ kéo đến thì nguy lắm. Huống chi, Huyền Đức lại quen thân với Tào Tháo. Nếu ta làm quá, hắn tất dâng thành trì cho Tào Tháo, hợp sức lại đánh Đông Ngô, thì làm thế nào?”].
Thứ hai, biện minh cho hành động bán nước của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam là do sự mù quáng tin vào ”tinh thần Xã Hội Chủ Nghĩa trong sáng và lòng vị tha vô tư của Trung Quốc trong việc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ”. Vì thế ngày 4 tháng 9 năm 1958, “khi Trung Quốc ra tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý kể từ đất liền của họ, ngoại trừ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, quốc tế không ai công nhận thì Việt Nam lại quá sốt sắng, chỉ mười ngày sau đó, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được lệnh “bốn phương vô sản đều là anh em”, đã ký văn bản thừa nhận lãnh hải Trung Quốc, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa.”
Thứ ba, ra sức thuyết phục / thổi lên luận cứ rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi Việt Nam. Ông NTG dựa vào lời nói của tổng thống George Bush trong cuộc gặp gỡ thủ tướng Việt Cộng Nguyễn tấn Dũng tại Washington [thực ra thì ông Bush chỉ hứa miệng chứ không chính thức trong một văn bản] mà khẳng định rằng Mỹ sẽ bảo vệ lãnh thổ Việt Nam một khi nền an ninh Việt Nam bị đe dọa. Về điểm này đề nghị ông NTG nên lật xem lại lịch sử Việt Nam, và đọc lại bài học mới nhất qua việc Nga tấn công Georgia và lời hứa bảo vệ nước này cũng của tổng thống Bush.
Thứ tư, ca ngợi lòng yêu nước của người Việt Quốc gia bằng cách trích dẫn một đoạn trong bản “Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà về những hành động gây hấn của Trung Cộng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974.” Qua đó, ông NTG hy vọng khích động được tinh thần vì đất nước của người Việt hải ngoại, xóa đi được lằn ranh quốc cộng, và bình thường hoá được vai trò lãnh đạo của cộng sản Việt Nam trên người Việt hải ngoại. Ông NTG viết:
“Về tinh thần quyết chiến thì xin hãy nghe đây, “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”. (Trích Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà về những hành động gây hấn của Trung Cộng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974.)”
Tóm tắt, thông điệp thứ nhất của ông NTG đã không thể thuyết phục ai vì những người lãnh đạo CSVN hiện nay và quá khứ đã và đang là những Lê Chiêu Thống, dựa vào Liên Sô Trung Quốc, và ngày nay đang cố cõng thêm Mỹ để bán nước, khai thác dân. Thông điệp thứ hai bênh vực cho lãnh đạo CSVN “ngộ nhận lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong sáng và lòng vị tha vô tư của họ [TQ] trong việc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ để rồi sẵn sàng xả thân vì họ [TQ]” không xoá được cái bản chất tay sai Lê Chiêu Thống của lãnh đạo CSVN. Thông điệp thứ ba thuyết phục nên tin vào Mỹ cũng không thể thuyết phục ai, mà chỉ nói lên hoặc là sự thiếu theo rõi tin tức, hoặc là tinh thần vọng ngoại, nô lệ đã nhiễm sâu trong ông NTG qua cuộc đời trưởng thành trong chế độ CSVN, chư hầu Liên Sô Trung Quốc. Thông điệp thứ tư, ca tụng tinh thần yêu nước của người dân miền Nam đã quyết chiến chống Tầu trong vụ Hoàng Sa Trường Sa năm 1974, để khích động người dân đi theo chế độ CS tay sai tham nhũng, để gọi là đoàn kết chống ngoại xâm Trung Quốc cũng khó mà lôi được ai, do người Việt hải ngoại nay đã nhìn ra vấn đề.
Tuệ Vân
Ngày 22 tháng 9 năm 2008
http://www.vietland.net/main/showthread.php?s=d2909e34e6caeb42a1859e64bf1f972b&t=2549
---