Sunday, January 18, 2009

Lộn điạ chỉ!

Lộn điạ chỉ!

Những tranh luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại trong hai tuần qua về cuộc triển lãm “FOB II: Nghệ thuật lên tiếng” do Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA) đứng ra tổ chức tại Santa Ana, đã làm cho tôi chú ý muốn xem những bức tranh đó là gì để tự mình có một phán xét trung thực. Dù biết rằng sự phán xét của mình cũng chỉ là chủ quan, tuy nhiên tôi nghĩ, điều quan trọng là phải thấy được những bức tranh đó trước khi mình có ý kiến, và do đó tôi đã tìm xem hình chụp các bức tranh cùng với một số những lời bình luận được đăng tải trên mạng internet.

Theo tôi hiểu, ba bức tranh gây căm phẫn nhiều nhất là một bức của Brian Đoàn và hai bức của Steven Toly. Xin chia sẻ cùng quý vị đọc cảm tưởng của tôi khi xem những bức này.

Bức tranh của Brian Đoàn cho ta thấy một thiếu nữ Việt Nam mặc áo T-shirt màu đỏ có một ngôi sao vàng to tướng, sáng loáng ở giữa ngực, và ở chếch phía đằng sau là một bức tượng của Hồ Chí Minh được đặt trên chiếc bàn thấp.

Lời của tác giả để giải thích về tranh mình, theo bài viết của Đông Xuyến, là như sau: “Trong xã hội Việt Nam những gì trước đây được xem là thần tượng để tôn thờ giờ là những đồ dùng hay vật trang trí như lá cờ đỏ sao vàng và tượng nhỏ HCM, đồng thời giới trẻ Việt Nam không còn sống trong ý thức hệ Cộng Sản mà theo trào lưu của thế giới tân tiến bên ngoài.”

Tức là, theo tác giả, việc cô gái mặc cờ Việt cộng lên người và trưng tượng Hồ Chí Minh gián tiếp là một sự bài bác ý thức hệ Cộng sản! Thú thật, nếu không có lời giải thích trên thì có lẽ tuyệt đại đa số những người thưởng ngoạn tranh bình thường đều phải nghĩ ngược lại... rằng bức tranh này là để phô trương cờ Việt cộng và mặt mũi Hồ Chí Minh, và hàm ý rằng ngày nay giới trẻ Việt Nam rất ưa thích các biểu tượng của chế độ CSVN. Quý vị thử nhìn hình mà xem, có phải đúng như vậy không? Dù là người cận thị biết mấy thì lá cờ đỏ và cái sao vàng này đâm vào mặt người xem như một cái đinh nhức nhối. Khi người xem lại là một cộng đồng tỵ nạn cộng sản thì sự nhức nhối to lớn đến chừng nào?

Theo tôi, lá cờ không là một món “trang trí” như tác giả cố tình gán ghép. Khi người tỵ nạn chúng ta biểu tình ngoài đường phố với chiếc áo vàng ba sọc đỏ trên người, chắc chắn đó không phải là một sự làm dáng có tính cách thời trang. Khi sinh viên trong nước mặc áo đỏ sao vàng biểu tình về Trường Sa-Hoàng Sa, thông điệp mà họ đưa ra – cho dù là họ đã chọn một biểu tượng sai lầm cho nước Việt Nam – là họ “ủng hộ Việt Nam” chống lại Trung cộng. Và khi đức Giáo hoàng khoác khăn vàng ba sọc đỏ lên cổ ngài nhân Ngày Đại hội Giới trẻ tại Sydney năm ngoái, cũng chẳng ai nghĩ rằng ngài đỏm dáng đến độ phải đeo nó ngay lên cổ. Cờ là một biểu tượng, và người đeo cờ hay cầm cờ nói rõ cho thiên hạ biết rằng mình không những không có vấn đề gì với lá cờ đó, mà lại ủng hộ nó nữa.

Qua tới hai bức tranh của Steven Toly, người ta thấy có một bức vẽ hình lá cờ vàng ba sọc đỏ với ba hàng dây kẽm gai thay thế cho ba sọc. Và vẫn theo bài viết của Đông Xuyến, tác giả ghi rõ ý mình trong trang 51 của tập chương trình như sau: “Ở Việt Nam ngày nay ba miền Bắc Trung Nam đều không có tự do và nhân quyền căn bản mà lẽ ra ai cũng có được.”

Lại một cú sốc cho người xem tranh! Tôi chắc chắn đa số chúng ta đều nghĩ: “Chuyện gì lạ đời? Nếu muốn nói rằng đất nước VN hiện nay không có tự do thì đáng lý phải đem cờ đỏ sao vàng ra mà tô đầy dây kẽm gai lên đó chứ! Thế này rõ ràng là ám chỉ chính quyền Việt Nam Cộng hòa thuở xưa thiếu tự do.”

Theo tôi, nếu họa sĩ Steven Toly muốn nói rằng VNCH thiếu tự do thì đó là quyền của họa sĩ, nhưng đem hình đó ra trưng xong rồi bảo rằng: “À không, tôi không muốn nói vậy, tôi muốn nói thế này này: xin coi kỹ lời chú thích”, thì như vậy... hơi coi thường người thưởng ngoạn đấy nhé.

Bức tranh thứ nhì của Toly được trưng ngay kế bên cho thấy lá cờ vàng với ba hàng hình vẽ màu đỏ thay thế cho ba sọc đỏ. Vẫn theo lời Đông Xuyến, bức tranh này muốn nói: “Người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi bằng đường bộ và đường biển trong đau thương mất mát.”

Có lẽ trong bức tranh này, họa sĩ đã không dùng được nét vẽ của mình để diễn tả điều mà họa sĩ muốn vẽ, cho nên mới phải dùng đến lời chú thích để người xem tranh khỏi hiểu lầm.

Và, theo tôi, đây là một vấn đề rất lớn. Nhìn ba bức tranh kể trên xong xem lại lời chú thích của tác giả, tôi thấy hiện lên một sự tương phản, đối chọi không thể chối cãi. Chỉ có hai giả thuyết mà thôi:

- Hoặc là các tác giả, vì thiếu khả năng trong kỹ thuật hội họa, hay thiếu sự chín chắn trong suy nghĩ, cho nên mới dẫn đến sự ngộ nhận, hiểu lầm cho người xem, khiến họ phải ghi lời giải thích để bà con đừng hiểu lầm họ. Nếu đúng là như vậy thì thật là đáng buồn cho nghệ thuật, bởi vì hội họa là một nghệ thuật không lời, chỉ dùng hình ảnh và màu sắc để gợi lên những xúc động mong muốn nơi người xem. Nếu phải cần đến lời viết để gợi lên những cảm xúc đó thì hóa ra hình vẽ là bằng thừa, và tác phẩm hội họa có còn đáng gọi là hội họa hay không?

- Hoặc là các tác giả đã có sẵn ý bài bác VNCH và vinh danh Việt cộng khi sáng tạo tác phẩm của mình, nhưng khi gặp sự phản đối của bà con đồng hương tỵ nạn thì bèn thêm vào một vài câu chú thích để xoa dịu (hay để gạt?) cộng đồng. Tôi không thể biết được mục đích thầm kín của các tác giả là thế nào, nhưng nếu đúng là như vậy thì cuộc biểu tình phản đối triển lãm của bà con người Việt ở Nam Cali quả thật là quá chính đáng.

Thú thật, tôi phải dí mắt nhìn vào tranh nhưng vẫn không thấy đau thương mất mát ở đâu cả. Quý vị có thấy những gì tôi thấy? Ở trên là một chiếc tàu – thôi cho là tàu vượt biển đi cũng được. Ở giữa là một chiếc máy bay – thôi cho là máy bay chở các vị HO đi Hoa Kỳ đi cũng được. Nhưng ở dưới là người đi xe gắn máy, xe bò, quang gánh,... trông rất an nhàn tự tại y như người ta đang đi chợ, đi chơi, đi làm việc gì đó, chứ tôi chưa từng thấy một người tỵ nạn nào trốn chạy cộng sản mà lại ung dung như vậy!

Và khi Đông Xuyến, một thành viên cố vấn của VAALA và là một cán bộ cao cấp của Đảng Việt Tân Cải Cách, cảm thấy nhu cầu phải đưa ra những lời chú thích kể trên mà không bác bỏ, thì đó là một sự kiện đặt ra nhiều nghi vấn không nguôi.

Đọc vào tờ chương trình, tôi được biết mục đích của cuộc triển lãm là để “tạo những cuộc đối thoại tìm hiểu về tương quan giữa nghệ thuật, chính trị và cộng đồng, về những điều bị xem là cấm kỵ hoặc là kiềm chế trong cộng đồng”.

Thưa có, trong cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta có những điều kiềm chế chứ không phải là không. Nhưng phải hiểu những kiềm chế đó từ đâu mà có. Cộng đồng chúng ta không muốn các biểu tượng của Việt cộng được trưng bày ra chỉ vì chúng ta đã từng là nạn nhân của một chế độ vô nhân bậc nhất trên thế giới, vì chế độ đó vẫn tiếp tục đàn áp đồng bào chúng ta, và vì họ vẫn đang sử dụng đủ mọi hình thức để phá hoại cộng đồng chúng ta.

Đối với các bạn nghệ sĩ trẻ, điều mà các bạn cảm nhận như là sự “kiềm chế” thật ra chỉ là hậu quả của nguyên cái mạng lưới kiềm chế khổng lồ và tàn bạo đang tồn tại ở Việt Nam. Đó mới là đầu mối của mọi khó khăn, mọi thử thách và mọi cuộc tranh đấu của người Việt tỵ nạn CS trong suốt hơn 30 năm qua. Đương đầu với những thử thách này mới là yêu nước, chứ không phải là kiềm chế các bạn đâu. Nếu các bạn muốn chống đối sự kiềm chế và đi tìm sự tự do trong sáng tạo, điều đầu tiên là các bạn nên lên tiếng nhiều hơn chống lại những kiềm chế trên đất nước VN. Đánh vào cộng đồng của cha ông các bạn là... đánh lộn địa chỉ rồi đó, các bạn ơi.

Vả lại, như nhà đạo diễn Hàm Trần của cuốn phim Vượt Sóng, và cũng là một thành viên của VAALA, nói: Nếu muốn đối thoại với cộng đồng thì tại sao lại đâm ngay vào cộng đồng, khiến cho cộng đồng bị tổn thương? Đó có phải là đối thoại hay là làm thiệt hại cho cộng đồng?

Chẳng lạ gì mà vào ngày 1/1/2009, báo Lao Động của CSVN đã chụp ngay bản tin về cuộc triển lãm của các bạn để mà cổ võ. Các bạn cần tự vấn lại lương tâm của mình khi báo chí CSVN hớn hở đăng tin về các bạn như thế. Nếu không thì xin đừng trách là cộng đồng đã “hiểu lầm” và đã “phản ứng quá khích” về các bạn.

Bài viết của Mạc Thủy

http://www.vietland.net/main/showthread.php?s=cd6f6d12cd92a35ca7f2368b23be3e11&t=4850

---