Tuesday, November 30, 2010

BÀI VIẾT TRÊN TÂM THỨC VIỆT NAM CAY ĐẮNG VỚI BÀ AUNG SAN SUU KYI

BÀI VIẾT TRÊN TÂM THỨC VIỆT NAM
CAY ĐẮNG VỚI BÀ AUNG SAN SUU KYI


Tôi vẫn thích theo dõi những bài viết của bà Tuệ Vân trên tamthucviet.com. Cũng như những mẫu đối thoại giữa bà và Bác sĩ Trần xuân Ninh cùng vài người khác trong tiết mục “Bàn Chuyện Thời Sự” thường xuyên được gởi lên internet.

Lý do là vì qua đó, tôi học hỏi được nhiều điều hữu ích cũng như cách lập luận vững chắc được bà trình bày một cách gảy gọn.

Nói như thế không có nghĩa là lúc nào tôi cũng hoàn toàn đồng ý với những lý luận cũng như quan điểm của bà. Bài viết “Chìa Khóa Của Thành Công” được gởi lên mạng ngày 23/11/2010 là thí dụ mới nhứt của trường hợp này.

Bài viết nói trên liên quan đến bà Aung San Suu Kyi và dựa trên, thứ nhứt, câu tuyên bố của chính bà Suu Kyi với biên tập viên John Simpson của đài BBC, và thứ hai, một câu văn trong bài “Freedom From Fear” của “Banyan” trên tuần san The Economist ngày 20/11/2010 đã được bà Tuệ Vân trích dẫn.

Từ đó, tác giả Tuệ Vân đưa ra một loạt những câu hỏi để nêu nghi vấn về thái độ chính trị mới nhứt của bà Suu Kyi đối với các nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện.

Tôi tôn trọng sự suy luận đó. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày một cách nhìn khác về những câu nói trên.

1.- Cuộc phỏng vấn với John Simpson của đài BBC.

Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 15/11/2010, ký giả lão thành John Simpson, chủ biên về Thời Sự Thế Giới, đã hỏi bà Suu Kyi một câu mà chính ông cũng nhìn nhận là hết sức “lắc léo”:

“Now I’d like to ask you a very crude question that may get you into trouble. Do you want to see the military government fall ?”. (“Bà có muốn thấy chính quyền quân sự sụp đổ hay không ?”)

Trước câu hỏi “lắc léo” này, dỉ nhiên bà Suu Kyi phải hết sức thận trọng để không tạo cơ hội cho nhà cầm quyền có lý do để bắt giam bà thêm một lần nữa. Trả lời “Yes, tôi muốn họ sụp đổ” thì họ sẽ phán cho bà cái tội xách động quần chúng. Do đó, bà đã dùng “ngữ thuật”” (word playing) và đáp rằng:

“No, I don’t want them to fall. I want to see them rising to dignified levels of professionalism and true patriotism, that is, to do what is best for the country and what the people want. It’s obvious what the people want: a better life based on security and freedom”.

Dùng từ “rising”, bà đã chuyển ý của chữ “fall” đang được hiểu theo nghĩa “sụp đổ” sang nghĩa “đi xuống” để từ đó, bà kêu gọi nhà cầm quyền “hãy vươn lên đến mức độ chuyên nghiệp và tinh thần ái quốc cao độ hầu thực hiện những điều tốt đẹp nhứt cho quốc gia và những điều mà dân chúng mong muốn”.

Tôi không nghĩ bà Suu Kyi định nói “Tôi không muốn nhóm quân sự thất bại” trong ý nghĩa là bà “chúc họ thành công với những điều họ đang làm”.

2.- Bài viết “Freedom From Fear” trên The Economist.

Nếu chỉ đọc câu đưọc bà Tuệ Vân trích dẫn” Sau chót, thì với tư cách một chính trị gia, bà đã là một thất bại. Hội đồng quân nhân có vẻ như vững chắc hơn bao giờ hết và, ngoài một nhóm nhỏ vượt trội phồn vinh, dân Miến Điện bị áp bức và nghèo khó hơn bao giờ hết”, người ta có cảm tưởng “Banyan” đang viết trong The Economist một bài để tấn công bà Suu Kyi.

Và đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Bởi vì chính “Banyan” cũng thú nhận trong bài viết đang đề cập đến như sau:

“Here Banyan should confess a bias. He met Miss Suu Kyi several times in the late 1990’s and remains in awe of her bravery, dignity and even sense of humour”.

Chẳng lẽ một ngưởi “ .. vẫn còn nể trọng lòng can đảm, phong cách và ngay cả óc khôi hài” của bà nay đã hết tin tưởng bà rồi hay sao?

Thật ra thì không phải vậy. “Banyan” nhìn nhận bà Suu Kyi không phải là “một chính trị gia thành công” bởi vì theo ông, có 2 lý do. Thứ nhứt, trong bao năm tháng tù đày và quản thúc, bà Suu Kyi đã tiếp nhận rất ít tin tức và những sự cố vấn. Thứ hai, hành xử cách nào thì bà cũng bị chỉ trích. Năm 1995, khi được “trả tự do”, bà đã bị tấn công khi kêu gọi đối thoại và tương nhượng bởi vì phong trào đối lập còn đang dâng cao sau cuộc bầu cử đại thắng vào năm 1990. Năm nay, khi bà kêu gọi Liên Minh Quốc Gia cho Dân Chủ rút ra khỏi cuộc bầu cử, bà đã bị chỉ trích là “quá cứng rắn”.

Theo tôi, vì bị kềm kẹp trong nhiều năm tháng, bà Suu Kyi không có điều kiện để làm một chính trị gia theo như nghĩa mà chúng ta vẫn thường hiểu. Nhưng bà đã, và đang, là một lãnh tụ đối lập xuất sắc và vẫn còn đang được dân chúng Miến Điện quý trọng. Ngay trong đoạn mở đầu của bài Freedom From Fear, “Banyan” đã viết “ Thật khó lòng mà không xúc động về phong cách của bà Aung San Suu Kyi khi bà được trả tự do ở Yangon vào ngày 13/11 và về phản ứng của quần chúng về sự tự do của bà”.

Và trong toàn bài viết “Freedom From Fear”, tác giả “Banyan” đã đưa ra nhiều dẫn chứng khác để tỏ lòng ngưỡng phục nhà đấu tranh dân chủ này.

3.- Đối tượng của bài “Chìa Khóa Của Thành Công”.

Như đã nói ở trên, tôi vẫn tôn trọng các ý kiến của bà Tuệ Vân dù có trái ngược với sự suy nghĩ của tôi về bà Aung San Suu Kyi. Nhưng trong lòng, tôi vẫn cảm thấy có một điểu gì không ổn, nếu không muốn nói là gượng ép, trong bài nhận định này của tác giả.

Đọc đến đoạn cuối của bài viết, tôi mới tìm ra lý do. Bà Tuệ Vân viết:

“ .. Nghĩ như thế thì thấy ra ngay rằng những lời kêu gọi “đừng sợ” của những nhà chính trị hay tôn giáo không ở trong hoàn cảnh bị đe dọa, hay những lời kêu gọi đấu tranh công khai bất bạo động, mang tính cách xin/cho đối với một chế độ bạo lực trấn áp chỉ có thể lôi kéo những kẻ hoang tưởng… ”.

À ra thế ! Mấu chốt là đây. Nếu biết được diễn đàn Tâm Thức Việt Nam và nhóm của Bác sĩ Trần xuân Ninh đã “ly khai” ra khỏi tổ chức nào, và hiện nay tổ chức / đảng phái đó đang chủ trương ra sao đối với nhà cầm quyền Việt Nam, thì người ta thấy ngay bài này muốn dùng kinh nghiệm của bà Aung San Suu Kyi để chỉa mũi dùi đến ai.

Nếu quả đúng như vậy thì thật là đáng tiếc ! Thứ nhứt, bài viết chỉ nói bóng gió mà không đề cập trực tiếp đến đối tượng thực sự mà tác giả muốn tấn công . Thứ hai, trong khi đó, bài viết lại đã có những đoạn mà tôi nghĩ là quá khắt khe đối với bà Suu Kyi. Cho rằng bà “ … đã bị đem ra xử dụng là công cụ phục vụ cho các thế lực tài phiệt mà kết quả là được cho về hưu đúng tuổi 65 ..” đã là khá nặng nề, nhưng nói rằng bà chỉ được “ .. cái danh hảo được giải hòa bình Nobel và món tiền kèm theo dư sống phong lưu tới chết ..” thì tôi e rằng tác gỉả Tuệ Vân có phần quá “cay đắng” (cynical).

Nếu quả thật giải Nobel Hòa Bình chỉ là một cái “danh hảo” thì có lẽ chúng ta nên ngưng ngay những cố gắng vận động cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn văn Lý và các nhà đấu tranh Tự Do, Dân Chủ khác của Việt Nam được trao vinh dự này cho xong !

LƯƠNG VĂN MINH

----------

Chìa Khóa Của Thành Công (có âm thanh)
Tuệ Vân
tamthucviet.com
November 23, 2010

Thế giới tuần qua có hai bản tin đáng chú ý.

Bản tin thứ nhất là về lời tuyên bố của bà Aung San Suu Kyi, nhà đấu tranh dân chủ Miến Điện, và là người được trao giải Nobel Hòa Bình, vừa được chính quyền quân phiệt độc tài Miến Điện trả tự do sau 15 năm bị quản thúc tại gia. Bà phát biểu với biên tập viên thế giới của đài BBC, John Simpson rằng: “Tôi không muốn nhóm quân sự thất bại. Tôi muốn những người mặc quân phục có cơ hội hoàn thiện, thể hiện tài năng với tinh thần làm việc chuyên nghiệp và lòng yêu nước thật sự.” “Đó là những gì người dân muốn trong lúc này. Người dân muốn có cuộc sống khá hơn, dựa trên sự yên ổn và tự do.”

Bản tin thứ hai là tin tướng David Richards, tân tư lệnh quân lực Anh, đã tuyên bố: “Chiến thắng những ngưòi đấu tranh Hồi Giáo là không cần thiết và sẽ không bao giờ có thể thực hiện được.” Và, “Cuộc chiến này có thể duy trì được để cho người Anh sống an toàn.” Bởi vì, “Sự đe dọa bởi al-Qaeda và các liên minh của nó có nghĩa rằng an ninh của nước Anh sẽ bị nguy hiểm ít nhất là 30 năm tới.”

Hai bản tin trên đã nói lên những điều gì?

Lời phát biểu của bà Aung San Suu Kyi đã đưa ra những câu hỏi. Bà Aung San Suu Kyi đang trong cuộc đấu tranh mà lại không muốn nhìn thấy địch thủ của bà thất bại, có phải là bà đã chấp nhận sự thua cuộc của phe dân chủ do bà lãnh đạo trước phe độc tài quân phiệt? Hay sau 15 năm bị quản thúc bà đã cảm thấy mệt mỏi và thay đổi lập trường? Hay sự thay đổi của bà đã đến từ sau những lần gặp gỡ với các giới chính trị Tây phương đang mong muốn có những chính thức giao thương, buôn bán với chính quyền Miến Điện mà không bị mất mặt? Sự thay đổi mà bà Suu Kyi nói tới có thật sự sẽ đem đến đời sống ổn định, phát triển cho người dân Miến Điện, hay chỉ tạo cơ hội để chính thức hoá quyền lực và việc buôn bán tài nguyên đất nước của nhóm lãnh đạo độc tài quân sự Miến với các nước Tây phương? Hoặc là bà Suu Kyi đã nhìn thấy sự thành công của chính quyền quân phiệt Miến trong việc loại bỏ bà trong vai trò một lãnh đạo đất nước, qua những đạo luật cho họ đặt ra. Chẳng hạn như: Những người đang mang án tù không được quyền ứng cử vào 2 viện. Luật bầu cử cấm những ai bị hình phạt tù được ra tranh cử. Luật cũng cấm những người có tiền án hình sự được trở thành đảng viên các đảng chính trị. Luật cũng ràng buộc là Thủ tướng (hay Tổng thống) phải có kiến thức về quân sự, và không phải là người lấy vợ hay chồng nước ngoài. Trong mục bình luận dưới tên Banyan của báo The Economist ngày 20 tháng 11/2010 đã chỉ ra một sự thực, là: “Sau chót, thì với tư cách một chính trị gia, bà đã là một thất bại. Hội đồng quân nhân có vẻ như vững chắc, hơn bao giờ hết và, ngoài một nhóm nhỏ vượt trội phồn vinh, dân Miến điện bị áp bức và nghèo khổ hơn bao giờ hết”.

Nghĩ cũng ngậm ngùi, cuộc đấu tranh cho đất nước Miến Điện của bà Suu Kyi do các cường quốc tư bản thổi lên thì nay cũng do họ mà vai trò của bà đang bị mờ dần. Để bắt tay buôn bán với những thế lực độc tài, những quốc gia tư bản Tây phương đã tạo ra những nhân vật chính trị thời cơ làm những cái loa ra rả nhắc đi nhắc lại các chủ trương “ổn định kinh tế, đối thoại, hợp tác” và những khẩu hiệu “đấu tranh công khai, hợp pháp, bất bạo động”.

“Đấu tranh công khai, hợp pháp, bất bạo động” trên thực tế là một hình thức Xin/Cho, chấp nhận sự lãnh đạo của chế độ độc tài, do đó thực chất là đấu tranh để làm những “bình bông chậu kiểng” tô điểm cho chế độ.

Quay sang lời phát biểu của tư lệnh quân lực Anh David Richards “Chiến thắng những ngưòi đấu tranh Hồi Giáo là không cần thiết và sẽ không bao giờ có thể thực hiện được.” Người ta không khỏi nẩy ra câu hỏi tại sao các nước phương Tây giầu có binh hùng tướng mạnh mà lại không thể thắng nổi một nhóm không nhiều, tản mác, với phương tiện giới hạn? Có người sẽ bảo rằng là vì những người Hồi giáo cuồng tín. Nhưng nhìn thực tế thì không thiếu những người theo Thiên chúa giáo Tây phương và Mỹ, cũng vô cùng cuồng tín qua những hành động hay lời giảng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Xét cho kỹ thì khác nhau chỉ ở chỗ sự quyết tâm và không chịu khuất phục đã khiến cho các chiến binh al-Qaeda chịu đựng được cuộc đấu tranh gian khổ, tới mức độ liều cả mạng sống. Chìa khoá của thành công là ở chỗ đó. Người đấu tranh chỉ để bảo vệ cuộc sống yên ổn của mình thì khó có mấy khi thắng được những kẻ không có gì để mất, kể cả sinh mạng của mình.

Nghĩ như thế thì thấy ra ngay rằng những lời kêu gọi “đừng sợ” của những nhà chính trị hay tôn giáo không ở trong hoàn cảnh bị đe doạ, hay những lời kêu gọi đấu tranh công khai bất bạo động, mang tính cách xin/cho đối với một chế độ bạo lực trấn áp, chỉ có thể lôi kéo những kẻ hoang tưởng. Không ai chối cãi rằng bà Aun Sang Suu Kyi là người có lòng, nhưng cái lòng này đã bị đem ra xử dụng làm công cụ phục vụ cho các thế lực tài phiệt mà kết quả là được cho về hưu đúng tuổi 65, với cái danh hão được giải hoà bình Nobel và món tiền kèm theo dư sống phong lưu tới chết, và sự bắt tay làm ăn giữa những nhà hô hào dân chủ quốc tế và những kẻ độc tài Miến điện.

Tuệ Vân
Ngày 23 tháng 11 năm 2010

http://tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%C5%B8O%1E[

---