Monday, December 1st 2008
6:06 PM
Phỏng vấn BS Trần Xuân Ninh
- Hữu Nguyên -
LGT: Bác Sĩ Trần Xuân Ninh là một trong số những nhân vật lãnh đạo cao cấp, có uy tín nhất của Mặt Trận ngay từ giai đoạn Mặt Trận mới thành lập. Nhờ ở tấm lòng son sắt với quê hương đất nước và tầm nhìn sáng suốt, BS đã kịp thời phát hiện ra đường lối chao đảo và "chệch hướng" đầy nguy hiểm của Trung Ương Đảng Việt Tân; đồng thời BS đã biết ứng xử một cách sáng suốt và thẳng thắn, vượt khỏi tình trạng bè phái núp bóng "dân chủ" trong đảng, để tiếp tục duy trì lập trường đấu tranh chống CS một cách kiên định và minh bạch, đúng theo đường lối cách mạng mà cố Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã vạch ra. Nhờ vậy, BS đã quy tụ được những thành viên trung kiên và sáng suốt của Mặt Trận, xứng đáng với danh xưng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng; cùng sự kỳ vọng và tin tưởng của đông đảo người Việt yêu tự do. Nhân dịp BS tái ngộ Úc Châu vào cuối tuần này, SGT đã phỏng vấn BS qua email. SGT xin chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của BS, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả nguyên văn bài phỏng vấn.
*
SGT: Kính thưa BS, một trong những vấn đề quan trọng gây xôn xao dư luận hải ngoại trong thời gian một năm qua là hai xu hướng, hậu thuẫn và chống đối Giáo Chỉ số 9 được Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang ban hành. Về xu hướng hậu thuẫn, ngày 10 tháng 11 năm 2007, GHPGVNTN Hải Ngoại Hoa Kỳ đã triệu tập một phiên họp bất thường tại chùa Bửu Môn, Texas, và tất cả hơn 100 tăng ni đã “đồng thanh quyết nghị triệt để khâm tuân Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang”. Tại đại hội, Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ đã tuyên bố: "Trước hiện tình pháp nạn bức thiết và vì sự tồn vong của Giáo Hội, vào ngày 08 tháng 9 năm 2007, Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đã ban hành Giáo Chỉ số 09 nhằm cứu nguy Giáo Hội. Cũng trong tinh thần trách nhiệm đó, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã ra Thông Bạch Hướng dẫn thi hành Giáo Chỉ của đức Đệ Tứ Tăng Thống để kiện toàn nhân sự và chấn chỉnh cơ cấu tổ chức các GHPGVNTN tại Hải ngoại”. Về vấn đề này xin hỏi BS 2 câu. Thứ nhất, tại sao việc ban hành Giáo Chỉ số 9 lại đóng vai trò quan trọng là cứu nguy Giáo Hội? Thứ hai, tại sao lại có nhu cầu “kiện toàn nhân sự và chấn chỉnh cơ cấu tổ chức các GHPGVNTN tại hải ngoại” khiến HT Thích Quảng Độ phải ra Thông Bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo Chỉ số 9?
BS Trần Xuân Ninh (BS TXN): Câu hỏi tại sao việc ban hành giáo chỉ số 9 lại là nhằm cứu nguy giáo hội thì theo đúng phải để hỏi quý hoà thượng thượng tọa lãnh đạo giáo hội là những người có thẩm quyền và hiểu rõ thực trạng giáo hội. Và như thế thì mới chính xác. Câu trả lời của tôi do đó chỉ có tính cách phân tích, nhận định dựa vào điều tôi hiểu biết do theo dõi tình hình đấu tranh mà thôi. Không đi vào chi tiết, nhưng có một điều rõ ràng là trong hàng giáo phẩm giáo hội PGVNTN tại hải ngoại đã có những khác biệt trong tư tưởng do hậu quả của chính sách tôn giáo đổi mới của CSVN biến thái.
Vắn tắt thì sự đổi mới này là thay thế chủ trương thời toàn trị hoàn toàn xoá bỏ và ngăn cấm mọi hình thức sinh hoạt tôn giáo (vì lời dậy của thánh kinh Cộng sản tôn giáo là thuốc phiện, và vì bản chất vô thần duy vật của CS) sang chủ trương khai thác tối đa tính xoa dịu của tôn giáo, nghĩa là khuyến khích mê tín, trốn lánh cuộc đời, lấy thái độ tiêu cực, giống như kiểu khuyên bảo thất tình thì đi tu đi. Tức là cho phép và ngay cả khuyến khích nâng đỡ các hình thức thờ cúng, dị đoan. Hai biện pháp đã được thi hành: một là xử dụng các tu sĩ cũ đã được “cải tạo”, thành lập các giáo hội quốc doanh, hai là huấn luyện các cán bộ trẻ và cho phép xuất ngoại tu học. Trong trường hợp Phật giáo, sự tiếp xúc với các tăng sĩ trong nước đã tạo nên những thay đổi trong suy nghĩ của một số tăng sĩ hải ngoại. Và câu hỏi đặt ra cho họ là có cần đấu tranh hay quan tâm đến các khổ nạn ngoài đời hay không, khi mà các hình thức cúng quải đã được cho phép và tăng sinh được cho ra ngoại quốc tu học, để trở về hành nghề tu sĩ, chủ yếu thi triển đường lối ma túy [như CS xuyên tạc] của tôn giáo, lôi ngưòi ta quên khổ đời này, ngóng tới đời sau, mặc cho chế độ tự tung tự tác. Giáo chỉ số 9 của cố tăng thống THQ công khai thông báo ngắn gọn cái tình trạng này, để hắc bạch phân minh: Một là theo đường lối ma túy của nhà nước lánh đời, hai là thực hành bồ tát thừa, cứu khổ ngay tại đời này, chứ không tìm yên ổn ở đời sau. Đường lối thứ hai này là quan điểm của giáo hội PGVNTN do hoà thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo hiện nay, theo tinh thần Phật giáo Việt Nam từ thời Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông mà tôi hiểu.
Sau khi đã thấy rõ tình hình như trên thì tức là đã có câu trả lời cho câu hỏi thứ hai, “tại sao lại có nhu cầu “kiện toàn nhân sự và chấn chỉnh cơ cấu tổ chức các GHPGVNTN tại hải ngoại” để HT Thích Quảng Độ phải ra Thông Bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo Chỉ số 9.”
SGT: Về xu hướng chống đối Giáo Chỉ số 9, khoảng hơn 100 tăng ni khác đã ra bản Tuyên Bố Chung, trong đó có đoạn: “Kể từ khi Giáo Chỉ số 9 của Viện Tăng Thống và Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ này của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN ban hành, Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có trong lịch sử.” Thưa BS, nguyên uỷ sâu xa nào khiến các vị tăng ni này tuyên bố như vậy?
BS TXN: Như tôi đã trình bầy ở trên, khi mà đã có những suy nghĩ khác, tạm gọi là những suy nghĩ thời cơ trong hàng tăng sĩ hải ngoại, thì khủng hoảng là từ đó. Giáo chỉ số 9 chỉ công bố ra cho mọi giới đồng bào đều biết, chứ không phải là giáo chỉ số 9 gây ra khủng hoảng. Những luận cứ trong Tuyên bố Chung, đọc cho kỹ, chỉ là cố níu lấy cái danh hiệu GHPGVNTN để che giấu sự thay đổi suy nghĩ, trở thành thời cơ tiếp cận với giáo hội quốc doanh. Theo tôi, nếu thực sự hoằng dương Phật pháp theo tinh thần Phật giáo VN, thực hành sống theo tinh lý Phật pháp, thì chẳng cần nói gì cả. Đồng bào và Phật tử sẽ thấy rõ.
SGT: Trong một bản tin do Văn Phòng Thông Tin Phật Giáo tại Paris phổ biến có xác định, trong số hơn 100 vị tăng ni ký tên trong bản Tuyên Bố Chung, không tán thành Giáo Chỉ Số 9 của Viện Tăng Thống và Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, chỉ có một số rất ít thuộc GHPGVNTN. Như vậy, số còn lại nếu không thuộc GHPGVNTN thì thuộc giáo hội nào, thưa BS? Và điều này có liên quan gì đến việc hàng trăm tăng ni Phật Giáo Quốc Doanh được một số vị tăng ni hải ngoại bảo lãnh với sự cho phép xuất cảnh của CSVN trong thời gian mấy chục năm qua?
BS TXN: Đúng rằng chỉ có một số rất ít trong số hơn 100 tăng ni ký tên là thuộc GHPGVNTN. Những người này thuộc các chùa, các thầy tổ và các chư huynh đệ khác nhau, không chung cung cách suy nghĩ, chỉ có một mẫu số chung là hành nghiệp tăng sĩ, nhưng ngay cả cách tu trì thì cũng khác nhau. Trong số này tôi không biết hết những sư ni trong nước được các tăng sĩ hải ngoại bảo lãnh ra cho tu học và giảng pháp. Nhưng mà tôi biết một số tăng sĩ tên tuổi của GHPGVNTN có can dự vào việc bảo lãnh này, và có nhiều người đi đi về về VN nhiều lần. Ngoài ra thì cũng có những chùa lớn được xây dựng hay tu bổ mà nguồn tiền thì không rõ ràng.
SGT: Thưa BS, việc một số vị tăng ni hải ngoại bảo lãnh một cách có hệ thống hàng trăm tăng ni Phật Giáo Việt Nam (là Phật Giáo Quốc Doanh do CSVN nặn lên) được nhà cầm quyền CS duyệt xét và cho phép xuất ngoại, là sự dại dột hay là sự xảo quyệt của CSVN?
BS TXN: Khó mà có thể nói là rõ ràng là “dại dột hay sự xảo quyệt của CSVN” như câu hỏi đặt ra. Bởi vì muốn trả lời thì phải hiểu là các vị bảo lãnh có mục đích gì để làm chuyện đó. Sẽ có người biện minh rằng bảo lãnh cho tăng sinh ra tu học thì họ sẽ thành đệ tử của mình và nghe theo mình. Như thế tức là mình có thêm vây cánh để truyền đạo, mà VC thì sẽ mất người. Và có thể sẽ khoe thêm rằng thế là CS thua, vì ta có thêm người tu!!
Ngược lại nếu nghĩ rằng hoằng dương Phật pháp bằng cách dậy dỗ cho đệ tử quên đời, hành thiền cho nhiều, tụng kinh cho nhiều để hết khổ, thì tức là dù muốn dù không cũng làm cái công việc khuyến dụ đệ tử bỏ trách nhiệm ở đời, mà tìm niết bàn ở mãi đâu đâu, ngược lại tinh thần của một câu kệ mà tôi nghĩ rằng tăng sĩ nào cũng biết, là: “lánh đời để tìm niết bàn thì chẳng khác gì tìm sừng con thỏ” (ly thế trục niết bàn, tức như tầm thố giác).
SGT: Gần đây tại Úc, đã xảy ra hai sự kiện khiến cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm là cuộc triển lãm “Phở Chó” tại Perth, Tây Úc; và hội chợ mệnh danh “Taste Vietnam” tại Brisbane, Queensland. BS đánh giá hai sự kiện này thế nào?
BS TXN: “Phở Chó” là một kế hoạch triển lãm văn hoá dựa trên mẫu số chung là “yêu phở” (món ăn đặc biệt VN) và nhân đó thì có một số hình ảnh tuyên truyền cho CS, giải thích bóp méo những câu quần chúng mỉa mai CS (phở không người lái), đồng thời bôi xấu cộng đồng hải ngoại bằng những hình nộm chó và các lá cờ vẽ lên đó. Những triển lãm này do vài cá nhân thân CS âm thầm thực hiện ở Sydney và Melbourne và bị lộ khi sang đến Perth, cho nên không đẩy xa hơn được nữa như dự tính. Còn chuyện Taste Vietnam mới đây thì là một sinh hoạt chính trị có đỡ đầu của sứ quán CS, và do du sinh cán bộ làm với sự tiếp tay của một số thành phần chính trị thời cơ. Taste Vietnam cũng bị lộ, và kết quả thì chúng ta đã biết ra sao rồi. Taste Vietnam đã được âm thầm thực hiện ở đại học Stanford, California và khi đưa sang Brisbane thì bị bể. Với hai sự việc này, tôi thấy rằng đồng bào hải ngoại rất tinh, và đối phó một cách hiệu quả với những toan tính để bình thường hoá sự có mặt của chế độ CHXHCNVN ở hải ngoại
SGT: Những năm gần đây tại VN thấy xuất hiện nhiều người, nhiều tổ chức mệnh danh là nhà dân chủ, tổ chức dân chủ. Nhưng ngoài những vị lãnh đạo nổi tiếng, có uy tín như Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý,... còn hầu hết đều không được dân chúng trong nước ủng hộ hoặc biết tới, mặc dù chế độ CS hiện nay quá tàn nhẫn và độc tài, trong khi lòng dân hiện nay ai ai cũng chán ghét cộng sản. Vậy theo BS, đâu là nguyên nhân khiến người dân trong nước thờ ơ? Phải chăng người dân trong nước không tin tưởng vào đường lối đấu tranh có tính cách thỏa hiệp với CS của những tổ chức đó, hay vì người dân cho rằng họ là những tổ chức đấu tranh dân chủ cuội, hay cả hai?
BS TXN: Người dân nước nào nói chung thì cũng thờ ơ với vấn đề chính trị, mà chỉ quan tâm đến những vấn đề trực tiếp dính líu đến cuộc sống của mình như kiếm tiền, hưởng lạc, vân vân...
Người Mỹ, người Anh hay người Việt trong nước và người Việt hải ngoại đều tương tự thế cả. Trong nước lại còn thêm yếu tố nguy hiểm, là bị trấn áp, tù đầy mà tối thiểu thì cũng là làm phiền hà khó dễ.… Tuy nhiên ở đâu cũng có một số người quan tâm đến dân tộc, đất nước, xã hội và một thiểu số tham dự vào những vấn đề chính trị cách này hay cách khác để tìm cách cải sửa những sai sót. Những người này trong nước dĩ nhiên là muốn đấu tranh, muốn làm một cái gì, nhưng mà họ dư sức thấy rằng cái lối hô hào đấu tranh bất bạo động và công khai thoả hiệp là vô lý, không khả thi và nguy hiểm cho nên họ không dại gì mà tham dự. Khi mà dân chúng thấy những kêu gọi vô lý như vậy thì câu hỏi nẩy ra sẽ là phải chăng đấy là đấu tranh cuội, đấu tranh cò mồi? Ngoài ra người ta thấy rằng các nhà kể là đấu tranh này không có mặt ở những nơi mà họ kêu gọi hải ngoại tiếp tay như biểu tình giúp đỡ dân oan, ủng hộ đòi đất Thái Hà, ủng hộ những đòi hỏi của GHPGVNTN, vân vân...… cho nên khó mà họ được để ý tới, chưa nói gì đến sự ủng hộ.
SGT: Dư luận cho rằng, CSVN hiện nay đang cần những tổ chức dân chủ cuội, đối lập bù nhìn, để đánh bóng cho chế độ, tạo cho chế độ CSVN lớp son phấn không độc quyền cai trị, mở màn cho những tổ chức chính trị thời cơ đi đến lèo lái cộng đồng hòa hợp hòa giải với CS. Về vấn đề này, xin hỏi BS hai câu. Một, thế nào là một tổ chức chính trị thời cơ? Hai, làm thế nào để có thể ngăn chặn ảnh hưởng của những tổ chức chính trị thời cơ trong chính giới bản xứ, nhất là khi có những chính trị gia thời cơ bản xứ sẵn sàng thỏa hiệp với CS, tung hứng với những tổ chức chính trị thời cơ trong cộng đồng người Việt hải ngoại?
BS TXN: Một nhà chính trị thời cơ hay một tổ chức chính trị thời cơ là người hay tổ chức cứ nay xoay theo chỗ này, mai quay qua chỗ khác để bám vào đó, mà không bám vào đâu được cả vì không có sức để bám vào hay là bị gạt ra. Họ như thế là vì không có chủ trương đường lối gì cả, hay nói cho đúng thì chỉ có đường lối “ăn theo”. Điều này khác với chuyện chủ động “nắm bắt thời cơ”, nghĩa là nhân hoàn cảnh thuận tiện thì tích cực nắm lấy và tạo xoay chuyển. Khi mà chủ động khai thác được thời cơ như thế thì thành công là chắc chắn. Cho nên hai chữ thời cơ là dùng để chỉ những người hay những tổ chức bất tài bất lực và thất bại trong những xoay chuyển. Nắm lấy được thời cơ mà thành công thì cũng là người hành xử thời cơ, nhưng không bị gọi là thời cơ!
Câu hỏi thứ hai “làm sao ngăn chặn ảnh hưởng của những tổ chức chính trị thời cơ trong chính giới bản xứ, sẵn sàng thoả hiệp với CS” thì tôi xin có ý kiến như thế này. Là xin hãy cứ nhìn vào trường hợp Madison Nguyễn ở San Jose, California. Có tổ chức thời cơ đã theo Madison để mà lung lạc chính giới bản xứ, nhưng mà rồi cũng thua, và bể mặt, vì họ không có sức. Họ có không tới một trăm ngoe và họ hàng bạn hữu, trong khi đồng bào là cả chục ngàn. Bài học là gì? Là sức mạnh quần chúng. Sức mạnh này rất quan trọng ở các nước tự do dân chủ chúng ta đang sống để mà có thể ảnh hưởng đến các chính giới điạ phương.
SGT: Khoảng 5 năm trở lại đây, tại hải ngoại, một số vị lãnh đạo tinh thần, cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể hay đảng phái,... đã núp dưới chiêu bài đấu tranh, viết thư cho các nhà lãnh đạo CSVN để xin xỏ điều này, điều nọ. Xin BS phân tích những việc làm được coi là “XIN và CHO” của những người đó, có đúng thực sự là những đấu tranh đòi hỏi dân chủ hóa cho VN hay chỉ là nhằm hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của CSVN tại hải ngoại?
BS TXN: Câu hỏi này đã tự nó có câu trả lời rồi, vì bản chất đã là “xin và cho” thì làm sao còn gọi là đấu tranh? Đã nộp đơn “xin/ cho” thì tức là công nhận cái thế giải quyết của chính phủ đó rồi, và như thế thì hiển nhiên đó là hợp thức hoá vai trò lãnh đạo của chế độ CSVN tại hải ngoại này rồi, chứ còn có thể nói khác gì được nữa? Còn như nếu mà nhất định bảo nộp đơn cho nhà nước CSVN để “xin và chờ được cho” là đấu tranh, thì đó là cái tinh thần gì chắc các quý vị hẳn là phải biết nếu có đọc chuyện kiếm hiệp Vi Tiểu Bảo của Kim Dung. Vi Tiểu Bảo là con của một cô gái giang hồ hạng chót đi làm thằng hầu cho vua, mà mỗi khi phải nói lời kính trọng với vua như “muôn tâu hoàng thượng” thì trong lòng lại tự nhủ để an ủi rằng mình đang nói “cái thằng chó đẻ này!”.
SGT: Trong bối cảnh đấu tranh tại hải ngoại hiện nay, mọi người nhận thấy một số cá nhân, tổ chức, bí mật tiếp xúc với cộng sản, để có những thỏa hiệp, những tung hứng, những nguỵ tạo, nặn ra những “chiến thắng giả” nhằm đánh lừa đồng hương. BS thấy việc làm này sẽ tạo nên những nguy hiểm nào cho cuộc đấu tranh chống CSVN của người Việt hải ngoại?
BS TXN: Tôi không thấy những việc “đi chui” như vừa nói có nhiều nguy hiểm lắm. Nó chỉ có tác dụng xấu khi đồng bào không quan tâm, mặc kệ ai muốn làm gì thì làm. Nhưng mà như tôi thấy thì đồng bào không như thế. Đồng bào lên tiếng mạnh mẽ, không phải ở một điạ phương mà ở nhiều điạ phương. Và như thế thì những toan tính sai trái sẽ bể. Cái lối đấu tranh kiểu đơm đó như vậy sẽ không thể hiệu nghiệm trong những xã hội tự do và dân chủ chúng ta đang sống. Và cái ý thức đấu tranh của tập thể chỉ có gia tăng chứ không có giảm. Kết quả là những cá nhân định nhân danh tập thể mà nói bậy làm bậy sẽ phải lui.
SGT: BS có ý kiến gì về làn sóng du sinh Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tại những quốc gia có người Việt định cư? Mối quan hệ giữa du sinh VN và cộng đồng người Việt, nhất là giới sinh viên học sinh con em của người Việt, sẽ như thế nào trong những năm tới?
BS TXN: Số du sinh lên cao hàng chục ngàn người là hệ quả tất nhiên của hai sự kiện chính thức sau: VN được nhận làm đối tác chính thức trên thị trường thế giới qua việc được vào WTO, và các nước Tây phương coi chuyện cho du sinh VN vào du học là một chính sách có lợi cho chuyện khai thác thị trường to lớn 80 triệu dân năng động VN. Tuy nhiên, cũng còn một yếu tố khác nữa quan trọng liên hệ đến vấn đề tham nhũng tại Việt nam, làm cho số du sinh nhiều như thế. Đó là con số những thanh niên VN đút lót để được giấy tờ đi du học nhưng thực chất là để đi làm kiếm tiền về giúp gia đình. Ở Úc, nhiều năm trước đây đã có hiện tượng này. Ở Mỹ thì mới vài năm gần đây thôi. Con số tiền hối lộ để một thanh niên nông thôn, bất kể trình độ học ra sao, có chứng chỉ và học bạ cần thiết để xin được một cái trường bên Mỹ cấp giấy nhận cho vào học để rồi có thông hành xuất ngoại du học, là trên dưới 10 ngàn đô la. Những người này thật là rất khổ, họ làm đủ nghề chui, lương hạ, để có tiền gửi về trả nợ số 10 ngàn đô la mà bà con đã cầm cố nhà đất, tài sản để giúp cho đi. Ngoài số du sinh hờ này chiếm khá đông thì thành phần còn lại có một số nhỏ là con nhà khá giả vì xoay xở khéo, hay vì học khá đi du học để thăng tiến cá nhân. Vai trò của những người này ra sao và ước vọng của họ ra sao thì ta có thể biết cả. Về căn bản thì họ cũng chỉ như những người nghèo đóng vai du sinh để kiếm tiền. Tức là lo cho bản thân và gia đình. Còn lại là con ông cháu cha, thì chúng ta cũng biết họ ra sao qua các tin tức và hình ảnh đầy rẫy trên báo chí. Rút lại thì quan hệ chỉ là tương quan người và người qua tìm hiểu cá nhân, chứ nói như một vài đoàn thể hay cá nhân bảo phải thế này phải thế kia để vận động những du sinh vào tranh đấu thì khó có mấy ai nghe.
SGT: Nếu việc cá nhân người Việt hải ngoại giúp đỡ cá nhân du sinh VN là điều nên làm khi có điều kiện, thì việc một số tổ chức, cộng đồng, núp dưới chiêu bài “biến du sinh thành những chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ”, CÔNG KHAI hô hào mọi người giúp đỡ du sinh, sẽ có những nguy hiểm thế nào, thưa BS?
BS TXN: "Biến du sinh thành những người tranh đấu cho tự do dân chủ” thì theo tôi chỉ là sự suy nghĩ của những loại người sau đây: Một là hoang tưởng, hai là tay sai hay những thành phần chính trị thời cơ làm thế để lấy điểm với VC hay là vì tính rằng như thế là cách mua chuộc cảm tình của quần chúng trong nước để khi CS biến thái cho phép tranh cử thì sẽ ứng cử kiếm chỗ trên sân khấu chính trị. Ba là những tay làm áp phe, sống bằng nghề hoa hồng môi giới cho người trong nước ra du học. Tôi nói như thế là khi mà họ làm ồn lên và vận động để chính phủ tăng số sinh viên được phép vào du học thì những tay trung gian mối lái có nhiều trường hợp làm ra tiền. Sau chót là còn một hệ quả chính trị của việc này là gia tăng cái bộ mặt bình thường tại hải ngoại của chế độ CS biến thái.
SGT: Trong chương trình Bàn Chuyện Thời Sự giữa Bác sĩ với Tuệ Vân và Thái Hòa vào ngày 17 tháng 10/2008, BS có nhận định về du sinh VN như sau: “Đúng rằng lý thuyết phân loại du sinh thì không khó lắm, nhưng thực tế đối xử thì rất khó. Và vì thế có bất đồng ý kiến. Và vì thế có thể nói rằng cuộc đấu tranh hiện nay cho tự do dân chủ và nhân quyền là một cuộc đấu tranh trộn trấu, hay vàng thau lẫn lộn và không có chiến tuyến. Thắng bại là ở chỗ nhìn ra sự thực hay không và có khả năng đối phó với những trà trộn CS hay không. Nếu hỏi đối xử ra sao với du sinh thì tùy theo là người đó thuộc thành phần nào.” Thưa BS, về vấn đề này xin hỏi BS 3 câu. Một, tại sao BS lại có nhận định cuộc đấu tranh hiện nay là vàng thau lẫn lộn, không có chiến tuyến? Hai, làm sao để có thể đối phó với những trà trộn của CS? Và ba, thành phần khác biệt lại có những đối xử khác biệt với du sinh VN là thành phần nào?
BS TXN: Cuộc đấu tranh hiện nay “vàng thau lẫn lộn”, "không có chiến tuyến” là bởi vì có những kẻ làm to hay có trách nhiệm thời VNCH nay đổi mầu, đi theo VC biến thái. Trong số này có những kẻ công khai ra mặt nói lên như thế, theo yêu cầu của VC, nhưng cũng có kẻ âm thầm, nói theo suy nghĩ chung chống độc tài CS biến thái của hải ngoại, nhưng nhẹ nhàng đưa ra những luận cứ bẻ lệch hướng đấu tranh. Thí dụ thì ta thấy rồi, là khoác cho những hành động “xin cho” cái ý nghĩa đấu tranh. Cũng có VC hay tay sai làm những việc tương tự, trong cộng đồng, trong truyền thông, vân vân...… Nếu hiểu đối phó với trà trộn của CS nghĩa là tìm bằng cớ chỉ rõ là CS thì khó. Nhưng nếu chỉ ra những quan điểm hay hành động sai trái thì đơn giản và dễ hơn, và thực tế và khả thi. Khi tôi nói “đối xử ra sao với du sinh thì tùy theo người đó thuộc thành phần nào” là ý muốn nói rằng cần biết rõ du sinh thuộc thành phần nào trong các thành phần đã kể và cũng là tùy theo người tiếp xúc với du sinh có mục đích gì. Thí dụ như thành phần chính trị hay kinh tế thời cơ hay nhân viên của các hãng ngoại quốc mà gặp con ông cháu cha thì mừng rỡ vì coi là có đường giây móc nối tới thẳng cấp cao để mà bầy tỏ ý “hợp tác cùng nhau xây dựng đất nước”, hay là móc nối làm ăn, điều đình cho dễ dàng thông suốt để được hãng mình làm công, tín nhiệm.
SGT: Song song với làn sóng du sinh khoảng vài chục ngàn tại hải ngoại, làn sóng công nhân do CSVN xuất cảng ra hải ngoại hiện cũng đã lên đến nửa triệu, mang về cho CSVN một số ngoại tệ là 2 tỷ Mỹ kim trong năm 2007. Số lượng công nhân xuất cảng này sẽ được CSVN tăng lên đến 1 triệu vào năm 2015, mang về cho CSVN một số ngoại tệ khoảng 6 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, tại hải ngoại, một số cá nhân, tổ chức, lại làm lợi cho CS bằng cách công khai kêu gào người Việt hải ngoại giúp đỡ công nhân do CSVN xuất cảng. BS nghĩ sao về vấn đề này?
BS TXN: Mấy người này theo tôi chẳng qua là làm chính tri sa lông. Nếu đến nhờ họ bán vé đi dự một bữa cơm gây quỹ từ thiện còn không được bao nhiêu mà lại đi kêu gào giúp đỡ công nhân thì thật là chuyện quá to lớn. Tôi thì nghĩ rằng thôi thì cứ để đó đi cho vui và cũng là để cho đồng bào thấy những sự quan tâm đến đất nước và dân tộc, vì nghĩ cho cùng thì những kêu gọi này sẽ không có nhiều kết quả gì bao nhiêu, mà cũng chẳng làm lợi gì cho VC lắm.
SGT: Bây giờ, nói về chuyến viêng thăm tái ngộ Úc Châu của BS, xin BS vui lòng cho biết, mục đích và địa điểm viếng thăm?
BS TXN: Kỳ này tôi đi là để cùng với ban chủ biên đặc tập Tâm Thức Việt Nam giới thiệu một số cách nhìn về đất nước về đấu tranh mà chúng tôi cho rằng cần thiết để cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài CS biến thái có hiệu năng hơn. Ngoài Sydney tôi sẽ đi Melbourne, Adelaide và Brisbane.
SGT: Thưa BS, so với chuyến viếng thăm Úc Châu trước, chuyến viếng thăm lần này của BS có những khó khăn gì, thuận lợi gì về quốc tế, VN, cũng như tổ chức đấu tranh Việt Tân Cách Mạng tại Mỹ, Úc...?
BS TXN: Tôi không thấy có những khó khăn gì đặc biệt. Những thuận lợi thì tôi cho rằng là sau khi có trang điện tử Tâm Thức Việt Nam (TTVN) thì các quan điểm và nhận thức của chúng tôi đã được những đồng bào quan tâm đến các vấn đề đất nước để ý, và với thời gian thì thấy rằng có phần có lý và kiểm chứng được bằng các sự việc đã diễn ra. Ngoài ra thì nhờ thế mà cũng phân biệt được sự khác biệt giữa tổ chức VNCTCMĐ là chúng tôi, và nhóm hoạt động chính trị VT đã ra công khai, mà hiện nay được đồng bào gọi là VTCC hay VT chệch hướng.
SGT: BS vừa đề cập đến trang điện tử Tâm Thức Việt Nam (www.tamthucviet.com)... Vậy thưa BS, “Tâm Thức” là gì? Trang web Tâm Thức Việt Nam theo đuổi những mục đích gì? Mối quan hệ giữa trang web TTVN và đặc tập TTVN như thế nào? Và qua dư luận, chúng tôi được biết, gần đây trang web TTVN bị đóng, phải không thưa BS?
BS TXN: Một cách thật vắn tắt, tâm thức là cái động cơ quyết định tư thái, hành động của một người, (hay của một tập thể), là kết quả của tác động hỗ tương giữa sự hiểu biết (là thức) và cảm tính (là tâm). Trang điện tử Tâm thức Việt Nam thu gom mô tả cái tâm thức này, và nhận định về những biểu hiện sai lệch do ngộ nhận hay do các quỷ luận để tâm thức Việt nam được phát huy thuận lợi, đóng góp vào tiến trình đấu tranh của dân tộc chống CS biến thái. Đặc tập Tâm Thức Việt Nam được soạn ra để cho những đặc điểm của trang điện tử được thấy rõ hơn. Trang điện tử TTVN đã bị phá hoại một cách khá là đặc biệt, vì thế đã bị đóng. Thời gian đóng có hơi lâu vì chúng tôi đang trong giai đoạn chỉnh đốn cách làm việc và vận hành của những người phụ trách trang điện tử để hoàn chỉnh hơn. Khi quý độc giả đọc những phát biểu này của tôi thì trang điện tử đã mở lại rồi.
SGT: Chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của BS, và kính chúc BS và phái đoàn thành công trong chuyến viếng thăm tái ngộ Úc Châu.
http://tinucchau.bravejournal.com/entry/25509
---
Phỏng vấn BS Trần Xuân Ninh - Monday, December 1st 2008 6:06 PM
- Hữu Nguyên - LGT: Bác Sĩ Trần Xuân Ninh là một trong số những nhân vật lãnh đạo cao cấp, có uy tín nhất của Mặt Trận ngay từ giai...
http://tinucchau.bravejournal.com/archive.php
---