Tuesday, December 02, 2008

Buổi hội thảo về bối cảnh đấu tranh hiện tại và tâm thức Việt Nam

Buổi hội thảo về bối cảnh đấu tranh hiện tại và tâm thức Việt Nam

Mai Ly

30/11/2008

Trưa Chủ Nhật 29/11/2008, trời Sydney đẹp.

Qua nay thời tiết bất thường. Khi thì cơn nóng bức oi ả đầu hè bao trùm cả một không gian ngột ngạt. Lúc thì gió thổi ào ào, kèm theo những cơn mưa xối xả, lạnh buốt thấu xương. Gần 2 giờ trưa, giờ bắt đầu buổi hội thảo, bầu trời mát dịu hẳn, nắng ấm chiếu ngọt ngào trên tấm bảng màu vàng có ghi “Chào Mừng Quan Khách” tại cửa hội trường Cabramatta Community Hall, vùng Cabramatta, thủ phủ người Việt tại tiểu bang New South Wales. Hai lá cờ Úc Việt hai bên tấm bảng phất phới tung bay, ngạo nghễ trong ánh nắng chan hòa, báo hiệu cho một buổi hội thảo thân tình, cởi mở và bổ ích, đem lại những câu trả lời thỏa đáng cho nhiều câu thắc mắc mà đề tài trong thông báo đã nêu:

"Bối cảnh đấu tranh hiện tại.

Phát huy sức mạnh Cộng đồng Người Việt Hải ngoại

để góp phần chấm dứt chế độ độc tài Cộng sản biến thái”


Từng người, từng người lần lượt đến, với tâm trạng khắc khoải lo âu trước hiện tình đất nước. Kìa một anh, một chị trung niên thường hay tham dự các sinh hoạt cộng đồng, rồi một nhóm bạn trẻ đi với nhau hoặc đi với cha mẹ, rồi một bà lão có đến ngoài 90, lại có vài bác cao niên. Lại có cả những thầy cô giáo, những văn nghệ sĩ, những nhà biên khảo. Đương nhiên có đại diện Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do, đại diện các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong cộng đồng và các anh chị đại diện các cơ quan truyền thông Việt ngữ.

Vào lúc chào cờ mở đầu chương trình thì phòng hội thảo đã chật ních với khoảng 200 người. Trong bối cảnh mỗi con tim Việt Nam đều hướng tìm về quê mẹ để đi tìm một tâm thức Việt Nam, bài quốc ca vang lên trong bùi ngùi, xúc động. Có người nhớ lại bản tin gần đây bên Hoa Kỳ về việc có những người nhẫn tâm đòi không treo cờ vàng, không hát quốc ca mà vẫn đòi moi tiền của người tỵ nạn dưới danh nghĩa làm việc từ thiện, mà cảm thấy vừa thương mến lá cờ hơn và vừa cương quyết giữ vững lá cờ chính nghĩa hơn nữa.

Mở đầu phần hội thảo, Bà Tuệ Vân, một thành viên trong ban biên tập của trang điện tử Tâm Thức Việt, đến từ Hoa Kỳ, đã vắn tắt đưa cử tọa ngược dòng lịch sử từ thời ngàn năm nô lê giặc Tàu, gần trăm năm đô hộ giặc Tây, cho tới bao nhiêu biến đổi điêu linh của đất nước hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là: có chất xúc tác nào đã làm cho người Việt Nam mọi miền đất nước đứng vững đến ngày nay, quyết không thua những kẻ đàn áp, đầy đọa dân mình? Có gì làm cho suốt hơn 30 năm sống tại hải ngoại, người Việt Nam luôn biểu tình đả đảo CSVN, giữ vững ngọn cờ chính nghĩa? Có người gọi đó là do truyền thống Việt Nam, tinh thần dân tộc, tính chất Việt Nam và gần đây còn gọi là con đường dân tộc, đạo Việt Nam hay quốc đạo. Bà Tuệ Vân thì gọi đó là tâm thức Việt Nam, bao gồm tâm tư, tiềm thức trong mỗi người Việt Nam, là những biểu hiện tập thể trước hiện trạng nhức nhối cho người dân Việt Nam. Đó còn là niềm mong ước thực hiện giấc mơ cơm no áo ấm, nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam. Do đó, hiện nay hơn bao giờ hết, tâm thức Việt Nam có tác dụng ảnh hưởng đến cơ chế chính trị độc tài trong nước, đến vận mệnh dân tộc và đến sự ra đi của tập đoàn lãnh đạo CSVN. Về định nghĩa của chữ Tâm Thức Việt Nam, một vị trong cử tọa vào cuối buổi hội thảo đã bổ túc thêm một cách giản dị rằng: Tâm thức là tâm không ngủ, tâm không mơ màng, nhưng thức và tỉnh để hiểu tình trạng hiện nay, để làm những công việc đúng, có lợi cho dân tộc Việt Nam, chứ đừng mơ hồ đi sai đường lối, cụ thể là để phân biệt được việc từ thiện nào nên làm, và việc từ thiện nào không nên làm, phân biệt được cái gì đem lại lợi ích thực sự cho dân mình và cái gì chỉ làm lợi trong hiện tại nhưng vô tình làm hại về sau vì sẽ kéo dài sự thống trị của CSVN.

Sau tâm tình của bà Tuệ Vân, Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã nói về bối cảnh đấu tranh hiện tại mà đặc tính nổi bật là mang nhiều ngộ nhận, nhan nhản những lý luận khỏa lấp, mà bác sĩ gọi là quỷ biện. Ví dụ như: nhiều người cho rằng Mỹ, ngoại quốc sẽ giúp nước Việt Nam có tự do dân chủ, hoặc cho rằng Việt cộng nay đã thay đổi rồi, vì chúng sợ bị tiêu diệt nên từ từ sẽ có dân chủ, nhất là khi giới già nua không còn nữa và giới trẻ, đặc biệt là du sinh, sẽ thay thế với tinh thần rộng rãi hơn vì được học hỏi được từ nước ngoài. Theo diễn giả, đó chỉ là ngụy biện, quỷ biện. Không có nước ngoài nào giúp Việt Nam mà không có lợi cho họ, và, còn cộng sản là còn độc tài đảng trị, không có dân chủ đích thực được. Chúng ta không thể mơ hồ về điều này.

Bối cảnh đấu tranh hiện nay rất phức tạp, không như thời chiến tranh lạnh, bạn thù rõ ràng. Hiện nay những ngụy luận làm cho người ta suy nghĩ sai nên hành động sai. Sự thật xấu xa bị che dấu khiến cho người ta lượng giá sai và tiếp tục hành động sai nên rất tai hại.

Trong bối cảnh trên, việc loại bỏ người nọ người kia là không nên, nếu điều họ làm đích thực phục vụ cho con người Việt Nam, nhưng phải đề cao cảnh giác trước âm mưu xâm nhập của CSVN, vì CSVN không bao giờ làm gì tốt cho dân mình. Họ có làm chăng cũng chỉ là để thủ lợi cho họ, kéo dài sự thống trị của họ chứ chẳng phải họ lo cho dân. Đấu tranh phải nhìn đường dài, chớ nhìn những ích lợi trước mắt mà quên đi âm mưu của CSVN.

Đối với người Việt Nam hải ngoại, việc làm trước mắt là giữ vững cộng đồng hải ngoại, dứt khoát không để CSVN len lỏi vào. Hiện tượng Madison Nguyễn ở Hoa Kỳ là một ví dụ Khi ra tranh cử thì cô tỏ vẻ sát cánh với cộng đồng nhưng khi được ghế nghị viên thì lại đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng, và cô đã bị phản đối. Dứt khoát người Việt tại San Jose không để cho cô ngồi yên trong chức vụ dân cử. Ngay cả đối với cộng đồng cơ chế trong cộng đồng người Việt, mặc dù ở Úc, Cộng Đồng cơ chế rất vững mạnh với các ban chấp hành liên bang và tiểu bang được bầu, nhưng nếu có biểu hiện đi sai đường lối thì người dân cũng có thể nói thẳng và không để cho làm sai. Các vị đại diện trong Cộng Đồng là những vị nhiệt tình, nhưng cũng có vài người có khi sa vào ngộ nhận nên trở thành thời cơ. Để tránh điều này, người dân nếu thấy sai thì nên nói thẳng.

Trong buổi hội thảo, nhiều câu hỏi được cử tọa đặt ra, rất chân tình, cởi mở.

Một vị cử tọa nêu thắc mắc rằng: trước tình trạng Trung Quốc đang xâm lấn Việt Nam thì ta có nên kết hợp với nhà nước để đánh Trung Quốc không?

Bằng một lối dẫn giải ngắn gọn, bác sĩ Trần Xuân Ninh kể lại việc khi quân Nguyên ngày xưa mang quân sang đánh nước ta, Trần Hưng Đạo tuyên bố: Phải đánh đến cùng. Và quân ta đã thắng. Nay chính phủ trong nước hèn yếu, không đánh, không chống cự, không đòi lại, thì làm sao mình đánh? Nhà nước đó có muốn lấy lại đâu? Họ còn đang ve vãn Trung Quốc để giữ vững quyền hành của họ mà. Chỉ có cách dẹp nhà nước đó đi, làm sao cho có một nhà nước chịu đánh, cương quyết giữ gìn bờ cõi thì mình mới lấy lại non sông đã mất.

Một vị thao thức đã hỏi: Làm sao cho những người đi sai, đi chệch đường lối, hiểu được những điều bác sĩ nói. Một cách dí dỏm, bác sĩ Trần Xuân Ninh đã nêu lên việc: ở Úc đây có nhiều đài phát thanh, băng tần AM, FM v.v...Người muốn nghe thì vặn lên đúng băng tần, nhưng người không muốn vặn băng tần đó thì không nghe được, nhưng băng tần đó vẫn có sẵn.

Khi được hỏi rằng các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại, sao không đoàn kết để tạo sức mạnh, bác sĩ Trần Xuân Ninh trả lời rằng: Mục tiêu chung là chống cộng. Mỗi tổ chức có sở trường và sở đoản riêng, anh này giỏi về vận động quần chúng, anh kia giỏi về vận động quốc tế. Ban nhạc cũng có người đánh đàn, kẻ đánh trống. Quân đội cũng có hải lục không quân khác nhau nhưng cùng một mục tiêu là chống cộng.

Một bạn trẻ hỏi làm sao giúp giới trẻ ý thức và tham gia vào cuộc đấu tranh chung. Bác sĩ Trần Xuân Ninh cho biết: bắt đầu từ gia đình, người trẻ phải lắng nghe, bậc cha mẹ nên giải thích và hướng dẫn. Hai bên phải sẵn sàng đối thoại với nhau. Người trẻ nên tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Khi một người trẻ nhìn ra vấn đề sẽ nói với bạn bè.

Một câu hỏi khác về vai trò của đặc tập Tâm Thức Việt Nam đã được trả lời như sau: Đặc tập lãnh nhận vai trò trong lãnh vực truyền thông, dựa trên tâm thức của người Việt Nam, mà nêu lên những ngộ nhận, những ngụy luận trong giai đoạn đấu tranh nhiều chuyển biến này, và đồng thời cũng đưa ra những lý luận thích hợp. Khi biết được điều nào đúng, và nên làm, thì mỗi người sẽ từ đó có những chọn lựa thích hợp, áp dụng cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh để góp tay vào cuộc đấu tranh đem lại tự do no ấm cho dân tộc.

Như dự trù, buổi hội thảo chấn dứt lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Bầu trời vẫn đẹp. Mọi người ra về trong niềm hân hoan, gần gũi, thân thương như cùng mang một tâm thức Việt Nam. Tâm tư vẫn nhớ:

- Bối cảnh hiện tại, đầy ngộ nhận, nên phải sáng suốt nhận ra đâu là đúng hướng, đâu là chệch hướng để đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi.

- Để phát huy sức mạnh của cộng đồng hải ngoại, cần phải thức tỉnh và thẳng thắn góp ý khi thấy những biểu hiện đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của người dân

- Từ việc hiểu rõ sẽ dẫn đến việc thực hiện cho đúng điều cần làm, và do đó sẽ góp phần chấm dứt chế độ độc tài cộng sản biến thái.


Trên đường về, khoảng hơn 6g chiều, một cơn mưa đá đổ xuống. Mọi người đều tìm chỗ ẩn náu cho người và cho xe hơi. Mới nắng đẹp đó, tưởng là trời sẽ đẹp, nhưng rồi lại mưa, mà lại còn mưa đá. Ngộ nhận!

Mong rằng trang nhà www.tamthucviet.com sẽ giúp nhận diện những quỷ biện trong bối cảnh biến thái hiện nay, để người Việt Nam biết được điều gì phải làm để sớm mang lại no ấm, tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.

Văng vẳng bên tai câu nói thường tình của người Mỹ qua lời bác sĩ Trần Xuân Ninh trong buổi hội thảo: Bạn phải biết bạn đang làm gì – You have to know what you are doing - để khỏi làm sai mà vô tình đem họa cho dân.

---

Hình:

http://lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=483:483&catid=39:sinhhoatcongdong&Itemid=58

---