Quá tải lương tâm.
Cách đây không lâu, khi đến thăm một người bạn đang nằm điều trị tại bịnh viện Queen Elisabeth, là một bịnh viện công nằm ở vùng phiá tây của thành phố Adelaide, tôi chợt mỉm cười nhớ đến lời nói của một người bạn thân bên Paris, có lần khuyên tôi nên trở về Pháp sống mà trong đó có một lý do đưa ra để thuyết phục tôi, là ở cái tuổi trên 50 tôi nên tìm sống ở nơi nào có bịnh viện tốt, bác sĩ giỏi, ý tá tận tâm chăm sóc bịnh nhân. Với kinh nghiệm chăm lo cho một người thân của mình nằm tại bịnh viện Pháp, tôi phải công nhận lời cô bạn mình nói không có sai. Nhưng ngày hôm nay khi đi thăm người bạn tại Queen Elisabeth thì tôi nhận thấy rằng bịnh viện ở Úc và cách làm việc của nhân viên nhà thương Úc còn tốt hơn so với bên Pháp. Nhưng dù sao thì các nhà thương ở hai xứ này có cùng một điểm giống nhau là sạch sẽ, và bệnh nhân được chăm sóc chu đáo. Chỉ có 1 sự khác biệt là phòng bịnh nhân ở Úc nằm rộng hơn ở bên Pháp mà thôi. Nếu không có nhìn thấy những bình tiếp nước biển treo lủng lẳng đầu giường và những y tá trong đồng phục trắng thì có lẽ người ta có thể tưởng lầm đây là một loại nhà trọ khang trang dành cho du khách ít tiền.
Sáng hôm nay sau khi đọc một bản tin nói về tình trạng quá tải ở những bịnh viện Việt Nam như Bịnh viện Nhi đồng Saigon , Bạch Mai, v.v... tôi đâm ra hết hồn lo cho thân phận đồng bào ốm đau của mình ở quê nhà. Nhìn hình bịnh nhân nằm la liệt trên một chiếc chiếu ngoài hành lang để chờ đến phiên mình, và nhất là sau khi đọc câu chuyện của người mẹ Nguyễn Thị Kim Tuyền, có con trai 2 tuổi mắc bệnh hen suyễn, tả cảnh hai mẹ con chị đã phải ngủ tại hành lang khoa hô hấp ròng rã 11 ngày, và khi trời mưa chị chỉ còn biết đứng ôm con, thì chỉ nội cái môi trường thiếu vệ sinh đó cũng đủ làm cho bịnh nhân bị nhiễm trùng nặng hơn và có thể chết trước khi được bác sĩ khám. Tôi tự hỏi phải chăng cái chết của hàng ngàn trẻ thơ qua thống kê của nhà nước CSVN, xảy ra cũng là do các em được chữa trị trong những hoàn cảnh thiếu vệ sinh và thiếu người chăm sóc kịp thời như nêu ở trên?
Khi đọc lời than thở của chị Đặng Ngọc Thanh, một bệnh nhân từng điều trị tại khoa ung bướu và y học hạt nhân BV Bạch Mai, Hà Nội rằng đã có lúc tám người bệnh phải nằm chung... một giường. “Chúng tôi phải tự thỏa thuận với nhau về người được nằm trên giường. Đó phải là người bệnh yếu nhất, mệt nhất, còn lại đều phải ngồi hai bên giường ngay cả khi đang truyền thuốc!”. Một lời than chua chát nói lên thực trạng nhà nước không vì dân và không lo cho dân. Trong khi đất nước thiếu bịnh viện để lo và bảo vệ mạng sống cho dân thì cớ sao thủ tướng Nguyễn tất Dũng lại sang Mỹ bắt tay hữu nghị với Hoa Kỳ ký hàng tỷ đô la mua máy bay Boeing để phát triển ngành du lịch Việt Nam trong khi ông Dũng thừa biết rằng hãng hàng không Việt Nam đang thua lỗ nặng và các hãng hàng không thế giới đang đứng trước bờ vực thẳm phá sản?
Cũng trong bản tin mà tôi đọc được điều làm tôi sửng sốt hơn hết là bịnh viện cũng thích tình trạng quá tải: “Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quá tải bệnh viện chính là căn nguyên dẫn đến mọi bất cập trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhất là chuyện “phí ngầm” cho bác sĩ, chuyện móc ngoặc bệnh nhân ra ngoài mổ, ảnh hưởng chất lượng điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân “.
Giới bác sĩ ở VN theo nguyên tắc là những “con người xã hội chủ nghĩa”, là những con người được thấm nhuần “lời bác Hồ dạy lương y như từ mẫu” (thật ra đây là lời của tiền nhân mà hệ thống tuyên truyền của đảng gọi là của bác Hồ). Thế mà đã chỉ chú tâm đến “những phí ngầm” để đầy túi mình và không còn quan tâm đến mạng sống của bịnh nhân.
Nói theo ngôn từ của chế độ thì đó là kết quả của khẩu hiệu “sống chiến đấu theo gương bác Hồ vĩ đại” và phản ảnh cái gọi là “tư tưởng bác Hồ”.
Nam Dao ( Adelaide )
---