Wednesday, May 07, 2008

Seattle: Nén hương tưởng niệm Quốc Hận 30-4-2008 tại Tổ Đình Việt Nam




Nén hương tưởng niệm Quốc Hận 30-4 tại Tổ Đình Việt Nam

Seattle : Đã 33 năm, thời gian cứ ngỡ mới hôm nào. Thành phố nhỏ nơi tôi đang sống: bầu trời gầm rú tiếng động cơ của từng đàn khu trục và trực thăng cất cánh từ phi trường Trà Nóc, Bình Thủy hướng ra biển đông. Con đường Nguyễn Trải đoạn gần nhà đèn, tràn ngập những toán người hôi của từ các cư xá Mỹ. Lũ lượt những đoàn người trong nhà giam, vừa thoát ra từ khám lớn cạnh dinh tỉnh trưởng gần đó. Những khuôn mặt nghiêm trang của các quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng Hòa, trên những xe jeep thoáng qua trên đại lộ Hòa Bình, tai lắng nghe vào những chiếc máy truyền tin. Trại Hải quân Yết Kiêu cuối bến Ninh Kiều loáng bóng vài quân nhân bên ngoài cổng. Bến tàu vắng ngắt, tất cả chiến đỉnh dường như đã xuôi giòng sông ra khơi từ đêm hôm trước. Cả thành phố như bùng vỡ và còn lại với những cái nhìn hoang mang ngơ ngác, không biết rồi sẽ ra sao. Nhưng trong cảnh điêu tàn của giờ phút định mệnh đó, để rồi được biết rằng: có những con người dù trong hoàn cảnh đơn độc và tuyệt vọng vẫn cố gắng viết lên những trang sử bi hùng và oanh liệt. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình theo phương châm Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. Nhiều người không ngần ngại ngăn giặc cho đến viên đạn cuối rồi tự sát hoặc bị hành quyết bởi kẻ thù man rợ hay đã tự kết liễu để bảo toàn khí tiết. Ai đó đã thiệt mạng trong rừng sâu, núi thẳm; vì muốn bảo toàn lực lượng, mong ngày quang phục quê hương. Đó là điển hình của không biết bao nhiêu cái chết của sinh linh miền Nam trong giờ thứ 25 uất nghẹn. Nếu có thể hơi cường điệu một chút, địa linh làm ra (không phải sinh ra) nhân kiệt thì thành phố Cần Thơ nhỏ bé nằm trên sông Hậu hiền hòa trong giờ phút cuối của nền Cộng Hòa miền Nam, đã mãi mãi được ghi nhớ và gắn liền cùng các tên tuổi của các anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn... những người mà thân xác tuy đã vùi chôn trong lòng đất, nhưng tinh anh đã hòa nhập cùng hồn thiêng sông núi.

Cứ mỗi độ cuối tháng Tư, cộng đồng người Việt quốc gia khắp thế giới tổ chức lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận 30 tháng 4, cùng tưởng nhớ tới các sĩ quan, binh sĩ, anh hùng vị quốc vong thân. Tại thành phố Seattle, ngày Quốc Hận năm nay đã được Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng phối hợp với các hội đoàn quân nhân, cán chính và đoàn thể chính trị người Việt tại địa phương. Tổ chức trọng thể tại trường Gatzer, tọa lạc trong khu thương mãi sầm uất của người Việt trong vùng. Buổi lể có sự tham dự của luật sư Nguyễn Quang Trung đại diện dân biểu Trần Thái Văn (Không có mặt vì bận tang chế cho cậu ruột là cựu trung tướng Dư Quôc Đống). Cụ Phan Vĩ, 86 tuổi một nhân sĩ chống cộng nổi tiếng đã không ngại đường xa, đến từ thủ đô Washington D.C. . Phần giới thiệu chương trình duyên dáng cuả nhà văn nữ Ngọc Thủy, cộng những ca khúc rực lửa đấu tranh của ca sĩ Ngọc Minh; đã làm buổi tưởng niệm tuy ngậm ngùi nhưng không kém phần sinh động. Những tiếng hô to vang dội "đả đảo độc tài cộng sản", "đả đảo tay sai bán nước" của toàn thể đồng hương có mặt, hòa cùng lời hát "Thề một lòng bảo vệ quê hương" của ca sĩ trên sân khấu. Như thể hiện quyết tâm của người Việt yêu chuộng tự do và cũng là một cảnh báo không xa, cho sự cáo chung của chế độ độc tài, toàn trị cộng sản Việt Nam. Buổi tưởng niệm đã lưu lại trong tâm tư đồng hương tham dự nhiều bồi hồi, day dứt: Xót thương cho thân phận quê hương, muốn ngay lập tức dẹp tan bè lũ phi nhân cộng sản, để dựng xây một Việt Nam ngạo nghễ, sánh vai cùng thế giới năm châu.

Hòa chung với những sinh hoạt tưởng niệm đó, Tổ Đình Việt Nam đã treo cờ rũ trong suốt tuần lễ cuối cùng của tháng Tư qua tháng Năm. Đến ngày chủ nhật, ngày 4 tháng 5 năm 2008 đã tổ chức buổi cúng cơm hay Giỗ cho các quân cán chính VNCH hữu danh hay vô danh và đồng bào miền Nam đã tử vong trong cùng thời gian 33 năm trước. Nhớ vào thời gian này năm trước, lễ cung nghinh và an trú các tướng lãnh miền Nam như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn… vào đền thờ thật trang trọng do các chiến hữu quân lực VNCH và các quả phụ thực hiện trong niềm thương tiếc và trọng kính.

Đến tham dự ngày cúng cơm cho các anh linh chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình trong những ngày cuối tháng Tư uất nghẹn của miền Nam. Là người Việt Nam khi còn trong nước chúng ta quá quen thuộc với hình thức Giỗ, Kỵ, tưởng niệm ngày qua đời của người thân, một tập quán tự ngàn xưa cuả dân tộc, tôi không xa lạ gì với phong tục tập quán đã ăn sâu vào máu thịt này. Nhưng ở hải ngoại, hình thức Giỗ, Kỵ cho người đã khuất, dường như ngày càng khan hiếm. Và đặc biệt (ngoại trừ những ngày Giỗ các Thánh, Tổ...) họa khi được tham dự buổi Kỵ Nhật hay gọi khác là đám Giỗ cho những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình bởi cộng sản xâm lược. (Xin nói rõ thêm đây không phải hình thức cầu an hay cầu siêu như trong tôn giáo hoặc cúng vong hồn siêu lạc vào rằm tháng Bảy). Thưa chuyện với ông Thủ Từ, tóc bạc, được biết năm nay là năm thứ hai Tổ Đình Việt Nam tổ chức nghi lễ nầy và sẽ tiếp tục duy trì theo thông lệ hàng năm.

Thưa chuyện với vị Thủ Từ, tóc bạc, được biết năm nay là năm thứ hai Tổ Đình Việt Nam tổ chức nghi lễ nầy. Mặc dù không thông báo trên các cơ sở truyền thông địa phương, nhưng có rất nhiều nhân sĩ và đại diện các hội đoàn nhớ ngày đến tham dự như ông bà Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, H.T hội Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH, Bà quả phụ bác sĩ Nguyễn Xuân Thìn, H.T hội Phụ Nữ Tacoma, Ông Đinh Mạnh Hùng, H.T hội Hải Quân, Ông Nguyễn Văn Bảo, H.T hội Lực Lượng Đặc Biệt, Ông Đinh Hùng Chấn, H.T hội Quảng Nam Đà Nẵng, Cụ Võ Trung Chánh, Hội Phó hội Cao Niên Seattle; Ông bà Nguyễn Trọng Nghị, hội Cựu SVSQ/ Thủ Đức; quý cụ nhân sĩ cao niên Trương Sĩ Triền, Trần Lý Toàn, Nguyễn Khắc Phán, Nguyễn Mạnh Hoằng, Nguyễn Quang Hữu và quý vị hoạt động cộng đồng như bà Trần Ni, ông Đào Hải, ông Nguyễn văn Thảo, Trương Văn Giàu cùng quý vị thân hữu của Tổ Đình. Mọi người đến tham dự đều mang theo lễ vật để góp giỗ, các lễ vật này được bày biện hết trên bàn thờ nơi có di ảnh của các vị tướng tuẩn tiết, vị Thủ từ trong quốc phục màu đen đọc kinh và nghi thức cúng cơm.

Tuy buổi lễ không mang nhiều nghi thức, nhưng không khí thật trang nghiêm, nhang đèn hương khói tạo nên khung cảnh đặc thù. Những nhân sĩ và đại diện đoàn thể đã tuần tự lên thắp hương trên bàn thờ tưởng niệm anh linh đồng bào, chiến sĩ. Thời gian còn lại dành cho những hàn huyên, thụ lộc và hồi tưởng về những năm tháng xa xưa, ngày này năm ấy.

Nếu văn hóa là mọi biểu hiện đời sống có tổ chức của một dân tộc như: phong tục tập quán, văn chương.... Chuyện giỗ kỵ, một tập quán lâu đời thể hiện sự gắn bó, trong đạo thờ cúng tổ tiên cùa dân tộc, dường như ngày càng phôi pha trong những sinh hoạt cũa người Việt Hải Ngoại. Tổ Đình Việt Nam tại Seattle với tôn chỉ: bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đã ghi thêm một điểm son trong việc duy trì sinh hoạt truyền thống đáng trân trọng nầy. Ngoài ý nghĩa tâm linh cho hương hồn những người đã khuất. Ý nghĩa văn hoá của nghi lễ, khi được giải thích tường tận cùng người bản quốc, thiển nghĩ sẽ thêm một đóng góp giá trị vào văn hóa sở tại. Chắc chắn sẽ tạo thêm sự cảm mến cho lòng tri ân và nhân ái đặc thù của người Việt Nam. Đặc biệt việc giới thiệu tập quán văn hóa truyền thống này đến giới trẻ Việt Nam hải ngoại thật là nhu cầu đáng quan tâm. Thử hỏi tình cảnh sẽ ra sao, khi những người trẻ Việt thành đạt trong tưong lai, cảm thấy xa lạ với những ngày cúng cơm, giỗ kỵ trong gia tộc?. Kỳ vọng cộng đồng người Việt trong vùng hỗ trợ và tiếp tay với Tổ Đình Việt Nam tiếp tục duy trì và tổ chức ngày càng qui mô hơn ngày lễ cúng cơm 30-4 nhiều ý nghĩa này. Qua khung cửa sổ của một ngày đẹp trời vào đầu tháng Năm, tôi vẫn thấy lá cờ vàng treo rũ trên cột cờ cao, như buồn gục đầu cho quê hương VN.

Phạm Xuân Hùng