Wednesday, August 13, 2008

Thiếu Think Tank: Chỉ Trích hay Dọn Đường?

Thiếu Think Tank: Chỉ Trích hay Dọn Đường?

------------------------------------------

Kính thưa quý vị,

Khoảng 2 tuần trước, khi nhà báo Lữ Giang đăng bài Thiếu Think Tank, chúng tôi có viết vài câu bình luận ngắn và hứa sẽ viết rõ hơn. Hôm nay chúng tôi xin gởi lại ý kiến trọn vẹn về bài Thiếu Think Tank này. Sở dĩ ý kiến này được đưa lên diễn đàn khá trễ là vì chúng tôi đã đăng báo, và để bảo vệ quyền lợi cho tờ báo, chúng tôi không phổ biến lên diễn đàn ngay. Nhiều độc giả sau khi đọc các bài viết của nhà báo Tú Gàn (Lữ Giang) có cảm giác là ông chỉ trích đảng Việt Tân rất mạnh. Có phải thật như vậy không? Sau đây là một quan điểm hơi khan khác.

Thiếu Think Tank: Chỉ Trích hay Dọn Đường?

Trong tuần qua, trên mạng internet xuất hiện một bài viết mang tựa đề "Thiếu Think Tank" của Lữ Giang, người còn có bút danh là Tú Gàn, một cây viết kỳ cựu của báo Sài Gòn Nhỏ ở Hoa Kỳ. "Think Tank" có nghĩa là bộ phận điều nghiên, hoạch định chủ trương, đường lối, hay nói nôm na là đầu óc của một tổ chức. Đại ý của bài viết là đảng Việt Tân "Thiếu Think Tank".

Phần nổi của bài "Thiếu Think Tank"

Trước hết, chúng ta hãy xem Lữ Giang viết gì và kế đó phân tích xem có đồng ý với lập luận của bài "Thiếu Think Tank" này hay không. Trong phần mở đầu, Lữ Giang viết:

"Nghe đài phát thanh "Tiếng Nước Tôi" và đọc trang nhà viettan.org của đảng Việt Tân, chúng ta có cảm tưởng như đây chỉ là những cơ quan truyền thông nhai lại những gì mà đa số các cơ quan truyền thông khác đã đọc hay đăng. Nội dung cũng chỉ để diễn tả lại một quan điểm phổ thông từ 34 năm qua: Việt Cộng gian ác, Việt Cộng độc tài, Việt Cộng ngu dốt, Việt Cộng bán nước, Việt Cộng thất bại..., thế nào chúng nó cũng sụp đổ và chúng nó sắp sụp đổ tới nơi rồi!

Lối tuyên truyền này cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Tân không tìm ra được những chủ trương, những đường lối, những kế hoạch... riêng có thể làm thay đổi đất nước, mà chỉ huà theo đám đông. Nói cách khác, mặc đầu là một tổ chức đấu tranh có tầm vóc lớn nhất ở hải ngoại, Việt Tân thiếu "THINK TANKS", tức thiếu những "BỘ ÓC" có thể tạo cho mình một thế đứng riêng và một đường lối riêng để đưa cuộc đấu tranh tiến tới." (ngưng trích)

Trong phần thân bài gồm nhiều tiểu mục, tác giả bắt đầu với tiểu đề: "BỊ ÁP LỰC QUẦN CHÚNG"

Để kết cho tiểu mục này, Lữ Giang viết:

"Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đã cho lập trên đất Thái một Khu Chiến giống như một chiến khu ở Việt Nam để tập cho các chiến sĩ cách chiến đấu và thu phục quần chúng theo kháng chiến. Nhưng sau cuộc Đông Chiến 1 thất bại, ông thấy con đường xâm nhập vào Việt Nam là con đường vô vọng vì địch đã phong tỏa hết rồi, nhưng ông không thể rút lui được mà phải tiến tới vì áp lực của quần chúng đàng sau. Nếu quay trở về, ông sẽ bị lên án là "kháng chiến cuội" và bị đòi lại tiền đã đóng góp. Nhưng nếu tiến tới sẽ bỏ mạng. Cuối cùng, ông đã chọn con đường chết trong cuộc Đông Tiến 2. Đây là một sự lựa chọn can đảm. Những nhà lãnh đạo Mặt Trận còn lại, cũng thấy không thể hoàn thành sứ mạng đã lãnh nhận nên đã cho tiến hành cuộc Đông Tiến 3 để xoá sổ kháng chiến!

Có thể kết luận rằng áp lực của quần chúng đàng sau đã đưa lực lượng kháng chiến của Mặt Trận đến chỗ bị tiêu diệt." (ngưng trích)

Trong phần trên, chúng ta thấy là theo Lữ Giang, ý muốn của quần chúng là sai lầm và quần chúng đã đẩy Mặt Trận, tức tiền thân của đảng Việt Tân vào chỗ chết. Tiểu đề thứ nhì của Lữ Giang trong bài "Thiếu Think Tank" là: "HÙA THEO ĐÁM ĐÔNG GÀO THÉT". Trong tiểu mục này, ông kết luận là:

"Nhìn chung, mỗi khi có biến cố gì xẩy ra, vì thiếu Think Tank, Mặt Trận không thể xác định được quan điểm, lập trường, đường lối và kế hoạch riêng của mình mà chỉ chạy theo tiếng la ngoài phố và "chớp thời cơ". Từ vụ Thái Bình - Xuân Lộc, vụ Trần Trường, vụ Cha Lý, vụ biên giớí... đến vụ dân oan, Mặt Trận không chủ động được gì hết mà chỉ ăn theo!" (ngưng trích)

Tiếp theo trong bài là hai đoạn không mấy liên quan đến chủ đề "thiếu think tank", nhưng trong đoạn cuối cùng, với tiểu đề "CON ĐƯỜNG ĐI TỚI", Lữ Giang viết như sau:

"Các nhà lãnh đạo Việt Tân cũng thừa biết, phong trào quần chúng giống như những con sóng biển, có khi nó lên rất cao, nhưng rồi sẽ tan vỡ khi đổ vào bờ. ...

Nếu các nhà lãnh đạo đảng Việt Tân không xây dựng được một hệ thống Think Tank có năng lực để tìm ra hướng đi thích hợp với giai đoạn mới, cứ tiếp tục để cho bị quần chúng đẩy đi hay cứ hùa theo những tiếng la hét ngoài đường phố và "chớp thời cơ" như từ trước đến nay, rồi cũng sẽ bị tan ra từng mãnh khi vào bờ giống như các phong trào quần chúng ở hải ngoại đã nổi lên, sụp xuống từ 1975 đến nay. Điều quan trọng cần phải nhớ: Chúng ta làm việc vì quyền lợi của tổ quốc chứ không chạy theo những tiếng gào thét theo cảm tính." (hết trích)

Đọc qua những đoạn trên của Lữ Giang, người ta thấy ông đã chê đảng Việt Tân (Mặt Trận) thậm tệ và điểm mà ông đánh giá thấp Việt Tân là đảng này làm theo ý của quần chúng.

Làm theo ý nguyện của người dân, của quần chúng mà sai sao? Một đảng muốn dựa trên dân mà không theo ý dân thì theo ý ai? Trách đảng Việt Tân như lập luận ông Lữ Giang thì chẳng khác nào khen đảng này là đảng của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng. Nhưng các nguồn dư luận khác thì không lập luận như ông Lữ Giang. Chúng ta hãy thử nghe xem các luồng dư luận khác nói gì.

Phân tích thiếu chủ trương Canh Tân của VTCC

Đầu tiên là cái tên đảng. Việt Tân là tên gọi tắt của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Song ngay bây giờ, trên trang nhà chính thức của Việt Tân, tên Anh ngữ là Vietnam Reform Party, ta không thấy chữ Revolutionary hay Revolution, tức là Cách Mạng. Trên thực tế, trong Đại Hội Cộng Đồng NVTD liên bang Úc châu năm 2008 vừa qua, MC của đại hội đã giới thiệu cùng quan khách hai đại biểu chính thức, một đại biểu của đảng Việt Tân Cách Mạng, mà MC phần Anh ngữ đọc tên tiếng Anh của đảng này là "The Revolutionary Party for the Renovation of Vietnam" và một đại biểu của đảng Việt Tân, với tên tiếng Anh là "Vietnam Reform Party".

Tại sao lại có hai đại biểu của hai đảng với cái tên có cùng chữ "Việt Tân" như thế này? Đối với quý vị không theo dõi thời sự chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngại thì việc này quả thực rắc rối, nhưng đối với quý vị có theo dõi thì đều biết cách đây không lâu, đảng Việt Tân (nay là Vietnam Reform Party) đã khai trừ hàng loạt đảng viên (hình như là 72 người), trong số những người đứng đầu của nhóm bị khai trừ là BS Trần Xuân Ninh, thành viên trung ương đảng, và luật sư Hoàng Cơ Long, anh của cố Chủ Tịch đảng Hoàng Cơ Minh.

Nhóm người bị khai trừ này giữ nguyên chủ trương ban đầu của đảng, tức là chủ trương lật đổ bạo quyền CSVN rồi mới tiến hành canh tân VN, nghĩa là làm cách mạng trước rồi mới canh tân sau. Đại biểu của nhóm này được MC trong đại hội Cộng Đồng Úc Châu giới thiệu là đại diện đảng Việt Tân Cách Mạng (VTCM). Trong khi đó, theo BS Trần Xuân Ninh, thì nhóm Việt Tân, mà nay trong tên tiếng Anh của đảng đã bỏ mất chữ Revolutionary (Cách Mạng), tức Vietnam Reform Party, chủ trương tiến hành canh tân VN trong lúc đảng CS còn nắm quyền tại VN. Để dễ phân biệt, chúng tôi xin được gọi đảng Việt Tân (Vietnam Reform Party) là Việt Tân Cải Cách (VTCC). Quả thật như vậy, cách đây nhiều năm, một ủy viên trung ương của đảng VTCC đã cho người viết biết chủ trương của ông ta về việc về VN tái thiết, phát triển trong lúc VC còn nắm quyền.

Qua đoạn trình bày trên, ta thấy nét chánh của VTCC là chủ trương canh tân (Reform). Trong những năm gần đây, người ta con được nghe một hoạt động của VTCC mệnh danh là tiếp cận, có nghĩa là gần gũi với trong nước. Song ông Lữ Giang đã không hề đề cập đến đến sự canh tân, tiếp cận đương thời của đảng VT (CC) mà lôi lại chuyện cũ, để đi đến kết luận là đảng VTCC thiếu think tank. Thoạt nhìn thì thấy ông đã phân tích quá hời hợt, nếu không muốn nói là phân tích "chệch hướng" và do đó kết luận VTCC thiếu think tank của ông trở nên có vẻ hấp tấp.

Nhưng có thể người cho rằng kết luận của ông Lữ Giang hấp tấp mới chính là kẻ hấp tấp. Chúng ta hãy chịu khó xét sâu hơn một chút nữa thì sẽ thấy sự đời chưa chắc đã đơn giản như vậy. Không đề cập đến việc canh tân, tiếp cận, xây dựng VN trong khi VC còn nắm quyền, lại chỉ đề cập đến chuyện cũ, cho là MT/VT theo ý đồng bào, cho là quần chúng nghĩ sai, xúi dại, biết đâu chừng Lữ Giang lại rất sâu sắc. Biết đâu chừng không phải ông không thấy, mà cố tình lờ đi chủ trương canh tân đương thời của VTCC, với dụng ý hướng dẫn dư luận theo chiều ông muốn. Ta hãy cùng từ từ xét kỹ lại xem. Trước hết, ta xét xem có thật là đảng VTCC đang đứng chung với quần chúng hay không?

"Gào thét" ngược lại quần chúng

(Xin được dùng lại từ "gào thét" của tác giả Lữ Giang)

Trong mấy tháng qua, có thể nói sự kiện sôi nổi nhất ở hải ngoại này là cuộc đấu tranh của đồng bào ở San Jose, Hoa Kỳ, cho cái tên Little Saigon. Khoảng 10 ngàn đồng bào đã biểu dương ý nguyện này. Trong khi đó, một ủy viên trung ương đảng của VTCC, cùng một đảng viên VTCC cao cấp (và theo chỗ chúng tôi được cho biết, còn có một số đảng viên VTCC ở San Jose) đã ký vào một bản lên tiếng chung, mệnh danh là Our Voice, không thừa nhận sự đại diện người Việt tị nạn CS của đồng hương đấu tranh cho cái tên Little Saigon. Nhóm Our Voice của các ông này cho rằng số đồng bào này chỉ là thiểu số lớn tiếng, nhưng trên thực tế nhóm Our Voice của ông không đông bằng một phần mười (1/10) nhóm ủng hộ Litle Saigon, thậm chí không bằng một phần mười lăm (1/15). Sau khi thấy khí thế của đồng hương đòi hỏi tên Little Saigon quá lớn mạnh, ông Hoàng Tứ Duy, con của ông Ủy Viên Trung Ương Cao Cấp nói trên, đã ra thông báo đại diện cho đảng VTCC. Trong thông báo này VTCC tuyên bố đứng ngoài cuộc.

Như vậy ta có thể nào nói VTCC đứng chung với đồng bào, làm theo ý nguyện của đồng bào như ông Lữ Giang phân tích không? Câu trả lời đã quá hiển nhiên, chắc chắn là không. Phải nói ngược lại mới đúng hơn, đảng VTCC đã "gào thét" ngược lại nguyện vọng của đồng hương VN hải ngoại, sau đó, khi thấy thất thế, thì công bố đứng ngoài. Hành động này của VTCC phải được xem xuất phát từ một Think Tank thời đại, dù think tank này giỏi hay dỡ. Tại sao ông Lữ Giang không phân tích chuyện thời cuộc này mà lại mang những thí dụ từ thời ông Hoàng Cơ Minh còn tại thế, hơn một phần tư thế kỷ trước ra để luận giải, rồi kết luận VTCC thiếu think tank, nghe theo lời quần chúng?

Thiếu Think Tank: chỉ trích hay dọn đường?

Để kết, đảng VTCC hiện nay đã không còn đi theo chủ trương mà Mặt Trận thời cố Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh lập ra, nên nhiều người gọi đảng này là VT Chệch Hướng. Có người còn gọi chủ trương canh tân VN của đảng VTCC khi chưa lật được bạo quyền CSVN là chủ trương "hốt mương đào giếng". Tại sao không phân tích về chủ trương Canh Tân mà bảo rằng VTCC thiếu Think Tank? Theo nhóm Our Voice, chống lại nguyện vọng của đồng hương ở San Jose, tiếp cận, giúp tay VC hốt mương đào giếng là những sản phẩm của Think Tank của VTCC. Có phải đó là "hùa theo đám đông gào thét" như ông Lữ Giang viết không? Vấn đề là tại sao những trọc phú VC thì lo cướp đất, lo ăn trên đầu trên cổ người dân, mà không lo hốt mương đào giếng, còn VTCC lại làm việc này. Think Tank của VTCC đúng đường hay lạc lối, lịch sử sẽ thẩm định.

Đọc qua bài viết của ông Lữ Giang, chúng tôi liên tưởng đến việc các đảng viên CS chỉ trích chủ nghĩa CS. Đám CSVN hiện nay đã trở thành những trọc phú tư bản đỏ, họ đang cần hợp thức hóa tài sản kết sù của họ. Vô sản thì làm sao giàu một cách chính thức được, cho nên đám mafia đỏ này cần các chú cuội, gào thét chỉ trích chủ nghĩa CS, dọn đường cho chúng hợp thức hóa sự giàu sang một khi phải từ bỏ chủ nghĩa trên danh nghĩa này. (Chỉ trích sự tham nhũng, độc tài của VC mới đúng điểm, chứ chỉ trích CHỦ NGHĨA CS thì chưa chắc). Ông Lữ Giang lớn tiếng chỉ trích việc (MT) VTCC nghe theo lời đồng bào là sai, là thiếu Think Tank. Như vậy thì ông đang thật lòng hay đang hướng dẫn dư luận, dọn cho VTCC một con đường đi ngược với ý của đồng hương tị nạn CS? Việc này xin để cho người đọc tự phán đoán.

Hoàng Nguyên
hoang4eb@gmail.com

http://www.vietland.net/main/showthread.php?s=192aa8647f1d56ee45b9fb9ad934f9c6&t=1812

---