Friday, August 08, 2008
Ve? Vang Da^n Vie^.t : O^ng ba` Phan Quang D-i.nh, Adelaide, SA
Hình trên: (Từ trái) Ben, ông bà Phan Quang Định, Linda trong đêm trao giải.
Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh
Nam Dao (Adelaide)
August 7, 2008
Ông bà Phan Quang Định được tuyên dương vào Hall of Fame
Một cái shed - nhà kho - bằng tôn ở cuối sân nằm tuốt đằng sau một dãy tiệm nhỏ, chật chội, không phòng tắm, không nhà bếp, ở một vùng ngoại ô bình dân của thành phố Adelaide, Nam Úc, đã là bàn đạp cho sự thành công hy hữu của một gia đình thuyền nhân Việt Nam. Chính trong cái nhà kho mưa dột này, hai vợ chồng người Việt, ông bà Phan Quang Định, đã nuôi lớn 3 đứa con nhỏ nên người, và hai ông bà cũng vừa được trao tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của ngành kỹ nghệ nhà hàng nước Úc.
Trong buổi trao giải trọng thể trước khoảng 1000 quan khách do hội Restaurant and Catering SA tổ chức hôm 28/7 vừa qua, ông bà Phan Quan Định, chủ nhân Vietnam Restaurant trên đường Ađdison ở Pennington đã được tuyên dương vào Hall of Fame, tức danh sách những nhân vật thành đạt tăm tiếng nhất của ngành kỹ nghệ này.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên ông bà Định và nhà hàng Việt Nam được tuyên dương. Suốt nhiều năm liền (1998, 2000, 2001, 2002, 2003, 2005, 2006, 2007, 2008) nhà hàng này đã vào được vòng chung kết giải thưởng “Award for Excellence” trong thể loại tiệm ăn Á Châu, và nhất là năm 2005, đã thắng giải nhà hàng Á Châu ngon nhất tiểu bang Nam Úc. Năm 2006, nhà hàng cũng được chấm là tiệm ăn Á Đông ngon nhất do Adelaide Food Guide trao tặng.
Tuy nhiên với Hall of Fame lần này, người ta không chỉ vinh danh nhà hàng mà đặc biệt vinh danh hai vợ chồng ông bà Định. Trong bài giới thiệu, MC Rob Kelvin của đài truyền hình số 9 nói: “Ông Phan Quang Định và bà Hồ Thị Sương - ông bà Định như người ta thường gọi một cách thân quý – đến Úc năm 1976 trong nhóm thuyền nhân Việt Nam đầu tiên trốn khỏi quê hương họ. Họ đến với hai bàn tay trắng và đã trải qua nhiều cực nhọc để mưu tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Lúc đầu, họ đã phải phấn đấu, đi làm hai ‘job’ ở hãng xưởng để nuôi con trước khi họ mở tiệm Việt Nam năm 1984. Vào thời đó, ngay cả những người sành ăn mạo hiểm nhất cũng không biết rõ cơm Việt Nam là gì, nhưng ông bà Định đã nỗ lực cống hiến cơm Việt chính cống ngon tuyệt vời cho người dân Nam Úc nhờ các công thức bí mật của bà Định. Lúc đầu, cả gia đình sống trong một cái nhà kho ở đằng sau tiệm ăn, nhưng họ không nề hà khó nhọc và luôn tiếp đãi với nụ cười thật tươi và những món ăn ngon lành. Cả ba đứa con, Tiến, Ben và Linda đều phụ giúp trong nhà hàng gia đình này. Ở thời buổi tiệm ăn hàng loạt ngày nay, thật là hiếm hoi tìm được một nhà hàng gia đình đã giữ vững chủ trương của mình suốt hơn 24 năm trời. Chính nhờ sự chịu khó làm ăn - không bao giời than vãn – và sự quyết tâm của ông bà Định mà họ đã xây dựng từ gần như con số không một trong những nhà hàng có tiếng nhất Adelaide.”
Tôi gặp anh Định hai hôm sau tại ngay tiệm ăn, anh có kể sơ cho tôi về buổi trao tặng cảm động đó. Nghe nói, nhìn lại chặng đường đã đi qua, cả gia đình đã không cầm được nước mắt, và trong cử tọa cũng có nhiều người nhỏ lệ vui sướng cùng với họ. Anh Định chia sẻ: “Tôi không biết bữa đó là cái gì. Trước đó mấy tuần lễ, họ chỉ nói với Linda là chụp hình tôi và vợ tôi gửi cho họ thôi. Con gái tôi hỏi là làm cái gì thì họ không cho biết cái gì. Chỉ gửi một thơ mời vào ngày 28 tức là thứ Hai, 6g30 có mặt tại Adelaide Entertainment Centre. Người MC của đài số 9 đọc một bài về gia đình tôi, thì tôi dòm lên mấy cái màn ảnh, tôi thấy tôi với bà nhà tôi, tôi mới hỏi Linda, sao cái gì đây, Linda nói: ‘Chuẩn bị ba với má lên!’ Tôi dòm thấy cái huân chương đó, hình như tôi quá cảm động hay sao đó, nên tôi không nói được lời nào. Cũng hai phút đồng hồ sau tôi mới tỉnh lại, tôi bái tất cả quan khách, tôi chỉ nói: ‘My family many many thank you very much, all friends to hope for my family’. Tôi chỉ nói được mấy câu đó. Thật tình mà nói, tôi không có hiểu, tại vì tôi qua nước Úc ba mươi mấy năm chỉ có biết làm thôi chứ không có đi học một giờ nào hết. Cuối cùng có một người lại nói với Linda con gái tôi và con trai tôi là thằng Ben, ‘cái này, ba mày có hiểu không?’ Linda nói ‘chắc ba tôi chưa hiểu’. ‘Cái này lớn lắm, một đời người chưa chắc gì có cái này.’ Tôi mới bật ra, nhưng mà không dám khóc. Vợ tôi cũng không dám khóc...”
Anh Định không cầm lòng được khi hé mở cho tôi nghe một vài giai thoại của cuộc sống làm lụng cực nhọc, và nhất là những thăng trầm anh đã phải trải qua – những thăng trầm mà anh gọi là: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, ba mươi sáu gập ghềnh.” Anh nói: “Tôi là một thuyền nhân. Ngày 28/11 năm 1976, chiếc tàu thứ 2 đến Darwin. Ngày tôi đến Darwin là ngày 28/11 thì tôi đổi lại là ngày sinh của tôi. Khi tôi ra đi, tôi có làm mấy vần thơ, tuy tôi không phải là nhà thơ mà chỉ nói với lòng mình: Đã biết rằng đi vĩnh biệt rồi, nhưng mà cũng phải ra đi. Ra đi như thế ra đi mãi, ở làm gì ở lại đây. Từ bốn câu thơ đó mà từ 32 năm nay tôi chưa bao giờ bước về xứ sở quê hương, bởi vì cái giá trị của hai chữ tỵ nạn chính trị rất quan trọng. Tôi không muốn từ bỏ hai chữ tỵ nan chính trị.”
Một trong những thử thách lớn lao là lúc ông bà Định gần như bị phá sản. Tôi hỏi dồn mãi, anh Định mới hé ra cho tôi: “Khi tôi vay tiền sang cái nhà hàng này, tôi lấy cái nhà tôi ở Melbourne. Thế rồi tôi nợ nhiều quá. Bởi vì nợ nần nhiều quá - mà tôi hứa với bạn bè đến ngày sẽ trả - (cho nên) tôi quyết định bán. Nhưng tôi phải nhờ người em vợ tôi mạo chữ ký của bả (chị Định) để mà ký bán. Tôi chờ tới lúc cho bả khỏe chút xíu, tôi mời bả vô lúc 2 giờ sáng, tôi quỳ xuống tôi lạy bà ta: ‘Xin lỗi em, anh đã bán căn nhà xong rồi.’ Nhà tôi nghĩ rằng tôi nói giỡn, nói đùa cho vui thôi, nhưng cuối cùng tôi nói: ‘Anh lạy em, vì không có cách nào khác hơn hết. Anh chỉ bán có 85 ngàn thôi, nếu để tiếp một tháng nữa thì có thể bán lên khoảng một trăm mấy chục ngàn, nhưng anh phải đành bán.’
“Thế rồi vợ tôi đau buồn, tôi chỉ nói với vợ tôi: ‘Anh xin lỗi, hãy nghe lời anh đi, chúng ta chỉ có làm thôi. Lúc bấy giờ thằng Ben con tôi mới 1 tuổi; nhà tôi đau buồn, tôi chỉ nói một câu nói: ‘Thôi em đừng khóc nữa, đừng có ôm con mà nằm đó nữa, chỉ có làm thôi. Nếu như anh bán cái này chỉ trị giá có mấy chục ngàn, anh với em sẽ tiếp tục làm lại thì cũng 15 năm mới trả hết nợ. Thì thôi, nếu em không đi trọn cuộc đời với anh, anh sẽ ký giấy tờ, rồi em dẫn mấy con về xin Housing Trust ở, còn anh chết thì chết chỗ này, mà sống cũng sống chỗ này. Ơn Trên phù hộ cho anh, một ngày nào đó anh sẽ đón mẹ con em xuống đây. Thôi anh nói cạn lời rồi.’ Thế rồi sáng hôm sau, nhà tôi mới tỉnh lại, và bắt đầu năm 1987, nhà tôi mới cùng với tôi phải làm việc. Chỉ có làm việc mới phục hồi được.”
Anh kể tiếp: “Khi tôi bán căn nhà rồi, tôi còn nợ nhà băng 3 chục ngàn. Khi 2 cái nhà hàng bị gọi là sạt nghiệp rồi, mà tôi còn nợ nhà băng thêm overdraft 20 ngàn, và tiếp tục còn nợ nữa. Tôi còn thiếu 10 ngàn nữa. Bấy giờ nó sắp đóng cửa nhà hàng của tôi. Tôi đến xin ông giám đốc nhà băng hãy cho tôi thêm overdraft 10 ngàn. Ông giám đốc trả lời với tôi rằng: ‘Anh không còn cái gì nữa, cái overdraft của anh lớn quá rồi, và khả năng giám đốc của tôi chỉ được ký cho anh có 20 ngàn, bây giờ anh lên như thế thì làm sao tôi chịu nổi nữa?’ Tôi trả lời rằng nếu tôi không có 10 ngàn, chắc tôi không biết gia đình tôi ra sao và chính bản thân tôi sẽ ra sao. Nếu ông giúp được cho tôi thêm 10 ngàn nữa, để cho agent nó không đóng cửa, tôi bảo đảm với ông rằng tôi sẽ trả. Còn nếu không, tôi sẵn sàng lấy tính mạng của tôi để deposit thêm cho nhà băng, bởi vì tôi có một khoản tiền tuổi già của tôi. Xin ông hãy chấp nhận, nếu như tôi có bề nào thì nhà băng cũng không thể lấy lại được số tiền này, vì cái nợ của tôi 6, 7 chục ngàn. Vậy thì xin ông hãy thương cho ba đứa con tôi và gia đình tôi.”
“Ông ta biểu tôi về phải hoạch định toàn bộ cái chương trình đem cho ông coi, thế rồi ông giám đốc lớn kêu tôi lên. Bà xã tôi ở nhà đông người chờ quyết định bởi vì chỉ còn có 2 ngày nữa. Luật sư của agent đã gửi cho tôi đóng cửa nhà hàng. Ổngï biểu: ‘Mày về đi’. Cuối cùng 3 giờ rưỡi họ điện thoại lại cho tôi là tiền đã vô trong nhà băng rồi. Trời! Tôi an lòng rồi, tức là họ không đóng cửa nhà hàng tôi. Tôi có hứa với họ là nếu tôi không trả được thì tôi có thể làm lụng, lau chùi cho nhà băng, hoặc cuối cùng thì có cái bảo hiểm nhân thọ của tôi cũng đủ trả rồi...”
Vào thời đó, hai vợ chồng cùng 3 đứa con sống chui trong cái shed ở cuối sân sau. Tôi đòi anh Định phải cho tôi coi. Cái shed đúng là một cái kho như người ta dùng để chứa đồ. Nó làm bằng tôn, chỉ có một “phòng ngủ”. Gọi là một phòng ngủ nhưng thật ra chỉ là mấy cái vách ván được dựng lên để khoanh một khoảng vuông có lẽ chỉ 3 thước trên 3 thước, không cửa sổ. Trong đó kê 3 chiếc giường sắt sát nhau. Anh Định chỉ từng cái giường: “Đây là giường bà xã tôi với thằng nhỏ út. Đây là giường Linda, đây là giường thằng Hai. Còn tôi buổi tối kéo cái ghế ra ngủ.”
Khi cái ghế được kéo ra thì trong phòng hết chỗ nhúc nhích. Năm người sống như thế suốt 11 năm liền. Mùa hè thì nóng đốt, mùa đông thì mái dột, nước có khi ngập tới mắt cá.
Anh Định chỉ tôi xem nhưng không nói gì thêm. Tôi hỏi Linda về thời gian đó thì được em cho biết: “Con ở cái shed từ trước năm 1984, con mới mấy tuổi, cỡ chưa được 4 tuổi, và ở tới lúc học xong high school là con 16 tuổi. Ở trong một cái kho với cha mẹ, đứa em trai và anh Hai luôn. Học ở trong cái phòng đó luôn.” Khi tôi hỏi em làm sao chịu đựng được, em nói: “Con nghĩ là tại vì cha mẹ cố gắng dạy dỗ mấy đứa con là không phải cần ở cái nhà lớn, miễn sao mình có lòng để học, và mình có lòng tin trong mình là sẽ được thành công. Mà sự thành công thì mình phải cố gắng, bỏ 100% vô. Ba nói là làm nghề nào cũng vậy hết, mình sẽ thành công. Một bài học lớn trong đời người là tiền bạc không quan trọng lắm, miễn sao là mình có lòng người, mình phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Tự mình phải cố gắng làm. Nếu mình cố gắng làm thì sau này mình sẽ có tiền.”
Một câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi, mãi tôi mới dám hỏi Linda, thì được em trả lời: “Dạ có, lúc mấy đứa con còn nhỏ, có lúc em con còn bé cũng không có sữa để uống, con nhớ hết. Lúc 7-8 tuổi đi học có khi thì không có bánh mì, không có sandwich để ăn mà cũng đi học. Có khi con thấy đời sống không công bằng, nếu nói thật ra thì hồi nhỏ con có nghĩ giống vậy. Lúc gia đình con ở ngoài sau trong cái kho, con cũng hy vọng một ngày nào đó mình cũng có một cái nhà để ở, một cái phòng riêng...”
Tuy những ngày khó nhọc đó đã xa nhưng hình như ký ức còn rõ mồn một. Tôi hỏi Linda nghĩ gì, em nói: “Cái kinh nghiệm đó đối với con rất quan trọng, vì nhờ con đường đó mà cha mẹ con dạy mấy đứa con để cố gắng làm người. Nếu trong đời người mà có thể thay được một hoàn cảnh nào thì con không có thay, tại vì con đường 24 năm của cha mẹ con, nó đã làm ‘the person that I am today’.”
Tôi cho đó là thành công lớn nhất của anh chị Định. Ngay cả trong khi điều hành nhà hàng, anh chị không những đã cống hiến cơm ngon cho khách mà còn đem lại một nét gì rất tinh thần. Anh Định cho biết quan niệm của anh: “Chúng ta là những con người. Vợ chồng tôi có sự quý trọng, tất cả tôi không xem là thực khách, tất cả mọi người vô đây, tôi không xem là khách hàng mà là bạn bè. Họ đến với mình là họ thương mình, chứ đừng bao giờ nghĩ rằng họ đến đây để mà họ ăn. Chính vì điều đó mà sau những bước thăng trầm 24 năm tôi vẫn đứng vững ở đây.”
Trong suốt buổi nói chuyện với anh, gần như không lúc nào là anh không nhắc đến những vị ân nhân đã giúp đỡ, cứu vớt gia đình anh. Đầu tiên là các đồng hương người Việt, và sau đó là bạn bè Úc rất đông của anh, và điểm lạ lùng là trong số đó có những người rất tăm tiếng. Nhìn lên tường quán ăn, người ta có thể thấy được nhiều lá thư khen tặng của một số nhà chính trị Úc đã từng mê cơm chị Định và được anh xem là bạn. Cựu thủ hiến tiểu bang nam Úc John Olson và đương kim thủ hiến Mike Rann cũng như nhiều bộ trưởng , thượng nghị sĩ dân biểu cũng đã từng thích thú thưởng thức món ăn rất ngon tại nhà hàng Việt Nam ấm cúng tình người này.
Anh Định kể một giai thoại lạ lùng về cố Bộ trưởng Liên bang Mick Young và cựu dân biểu Port Adelaide, Rod Sawford. Hôm đó hai ông này cùng với một số bạn ở lại nhà hàng Việt Nam ăn uống rất khuya: “Lúc bấy giờ kinh tế tôi chưa được phát triển, tôi không có mướn người nhiều, mấy ông ấy ở từ 11 giờ đêm cho tới 2 giờ sáng. Cuối cùng mấy ổng không thấy tôi đâu hết, thì tôi đang đứng rửa chén, lúc đó là 1 giờ rưỡi, mấy ổng mới dòm thấy tôi, mấy ổng xuống hết, dọn hết, bao nhiêu người ở dưới kitchen. Ông Mick Young nói: ‘Tao, tao phụ với mày’, Sawford cũng nói: ‘Tao phụ, không, không sao.’ Tôi vừa uống vừa rửa chén, vừa làm việc. Mấy ổng tất cả đều dọn hết, tới 2 giờ sáng lận. Lúc bấy giờ Mick Young là bộ trưởng bộ Ngoại giao hay bộ trưởng Di trú gì đó...”
Tôi hiểu tại sao anh chị Định được vào Hall of Fame. Vì cơm ngon nhưng anh chị không kiêu kỳ, vì sự tiếp đón thân tình đã đành, nhưng quan trọng hơn, anh chị để lại trong lòng những người đến với nhà hàng anh chị một cảm giác âm ấm khó tả.
http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%c5%93F%1b%5c
August 7, 2008