Công ty Vedan và dòng sông Thị Vải hấp hối
Trong thời gian gần đây, dư luận báo chí trong và ngoài nước đang đề cập nhiều về dòng sông Thị Vải đang hấp hối vì hậu quả của việc công ty Vedan đã ngấm ngầm bí mật xả trực tiếp nước thải chưa được thử nghiệm vào sông Thị Vải suốt 14 năm qua.
Công ty Vedan với 100% vốn Đài Loan, được thiết lập cơ sở trên một diện tích 120 mẫu đất ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Công ty này sản xuất xút (sud), bột ngọt, tinh bột, Lysine từ năm 1994 tới nay, và đã bí mật thiết lập một hệ thống ống cống ngầm để xả nước thải không qua giai đoạn kiểm nghiệm trực tiếp vào sông Thị Vải, khiến dòng sông này bị ô nhiễm vô cùng nặng nề, huỷ diệt hoàn toàn môi trường sinh thái.
“Sông Thị Vải dài khoảng 80 km, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, chảy qua các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu. Một đoạn dài 10km của con sông này nối liền một phần Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu đã bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm qua, nhiều người gọi là dòng sông chết và đã được “các nhà khoa học đánh giá bằng các công trình nghiên cứu và phân tích các chỉ số lý hoá, và lên tiếng báo động từ 10 năm trước” (Á Châu Tự Do 20/09/08).
Theo báo "Saigon Giải Phóng" ngày 21/09/08: “hệ thống thoát nước ngầm của công ty Vedan đã từng được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra và lập biên bản vào năm 1996. Đoàn kiểm tra trong khi đó gồm đại diện cơ quan có liên quan của Đồng Nai như ban Quản lý các khu công nghiệp, phòng Kinh tế công an tỉnh Đồng Nai…, cùng đại diện bộ Kế hoạch đầu tư, cục An ninh kinh tế… Tuy nhiên sau đợt kiểm tra trên, những thành viên của đoàn kiểm tra đã không biết đến kết quả xử lý những vi phạm của công ty Vedan”
Mặc dù đã được báo động về vấn đề ô nhiễm của sông Thị Vải từ cả trên 10 năm trước do công ty Vedan gây ra, thế mà công ty này “dù mang chất thải đi nhiều tỉnh để đổ, khiến dân oán thán, vẫn được tặng bằng khen, được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước… ô nhiễm vượt tiêu chuẩn hơn 400 lần, vẫn được cấp phép” (báo Lao Động ngày 17/09/08). “Cuối năm 2004 ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên môi trường ký văn bản gửi hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh Đồng Nai đề nghị khen thưởng Vedan vì nỗ lực bảo vệ môi trường” (báo Lao Động 17/09/08).
Sau khi sự việc gây ô nhiễm của công ty Vedan bị phanh phui, “cơ quan thanh tra đã áp dụng tất cả các tình tiết tăng nặng theo pháp luật đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan, đã đưa ra mức phạt tối đa là 267,5 triệu đồng (tiền Việt Nam cộng sản), thế nhưng bộ Tài nguyên môi trường đã cho rằng theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành, các hành vi vi phạm của công ty Vedan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự về môi trường” (báo Lao Động ngày 8/10/08).
Với số tiền phạt dù ở mức tối đa này, ông nguyên phó tổng thanh tra chính phủ Vũ phạm quyết Thắng đã nói về việc bộ tài nguyên môi trường đề xuất thủ tướng xử phạt Vedan vì đã đầu độc sông Thị Vải 14 năm qua: “xử phạt hành chánh hơn 200 triệu đồng, không bõ bèn gì, chẳng mua nổi một chiếc ô-tô cho quan chức địa phương đi công tác… Một sai phạm tồn tại tới 14 năm mà địa phương không biết không hay”.
Qua một vài sự kiện nêu trên, những gì đã và đang diễn ra nơi hậu trường của sân khấu Vedan Thị Vải? Vì lợi nhuận tương tác, phải chăng Vedan đã được những ô dù thế lực to lớn bao che? Hay vì vấn đề hối lộ, chia chác không đồng đều, hơn, thiệt… nên mới bị phanh phui đưa ra ánh sáng? Và, cuối cùng, những người điều tra và những phóng viên báo chí viết bài về vụ Vedan-Thị Vải liệu có cùng chung số phận như những người liên quan tới vụ PMU18 mà cộng sản Việt Nam đang xét xử trước toà án của chúng?
Tóm lại, đồng tiền đã che mờ con mắt của đám cán bộ cộng sản quyền lực, cũng như đã che mờ con mắt của đám tài phiệt Đài Loan của công ty Vedan.
Chung quy, chỉ có đất nước và người dân Việt Nam phải hứng chịu hậu quả của nạn ô nhiễm môi trường!
Lời cảnh báo của ông Peter Lysholt Hansen, Đại sứ Đan Mạch, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ điện tử, đăng ngày 1/10/08, đối với đám cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam, rồi cũng chỉ như gió thoảng bên tai: “không chú ý tới tầm quan trọng của môi trường, con cái các bạn sẽ phải hứng chịu hậu quả”.
Nguyễn Việt Sơn
---