Wednesday, October 22, 2008

Su+~a nhie^~m d-o^.c cua? Trung Co^.ng

Sữa nhiễm độc của Trung Quốc

Năm 2008 là năm TQ có nhiều biến động. Đầu tháng 5, một trận động đất khủng khiếp ở Tứ` Xuyên đã giết hại cả trăm ngàn người và gây tổn hại vật chất lên tới nhiều tỷ đô la. Đầu tháng 8, Thế Vận Hội được khai mạc tại Bắc Kinh. Các buổi lễ khai trương và bế mạc công phu nhất trong lịch sử Thế Vận Hội, đã làm cho cả thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên dư âm của TVH chưa kịp tắt thì vụ sữa bột nhiễm độc Melamine đã như một đám mây mù che phủ hết hào quang và làm cho tai tiếng của XHCN TQ bị ô uế.

Chính quyền TQ hiện nguyên hình là một chính quyền thiếu khả năng, thiếu nhân tính và coi rẻ mạng sống con người.

Sữa bột nhiễm độc Melamine được nhà cầm quyền TQ chính thức tuyên bố trong một phiên họp giữa chính quyền và các đại diện ngoại giao đoàn tại Bắc Kinh ngày 9/9/08.

Nhà cầm quyền TQ thú nhận, sau khi kiểm tra toàn diện, đã có tất cả 22 hãng sữa TQ liên quan tới việc pha chế Melamine vào sữa trước khi đem phân phối ra thị trường.

Chính quyền TQ cũng ngỏ ý hối tiếc đã sơ xuất trong việc kiểm tra chất lượng sữa và cam kết với quốc yế rằng TQ sẽ thu hồi tất cả các sữa đã bán ra, và sẽ ngưng xuất khẩu sữa cho tới khi phẩm chất sữa được bảo đảm an toàn, không còn Melamine nữa. Thông báo này làm chấn động cả thế giới, nhất là những nước đang nhập cảng sữa bột TQ, và kinh hoàng hơn hết, là nhân dân TQ. Các bệnh viện đều chật ních những phụ huynh xếp hàng để xin cho con em được vào khám bệnh và thử nghiệm. Theo báo cáo của bộ Y tế TQ, có 4 trẻ em đã chết vì sạn thận, 13.000 em khác phải nhập viện vì triệu chứng suy thận, trong đó có 10 em tại Hồng Kông và Đài Loan do uống sữa TQ nhập cảng, 53.000 trẻ em TQ khác có triệu chứng thận, cần được theo dõi liên tục.

Melamine có công thức hoá học C3H6N6, là một hoá chất lấy từ phân urea, được dùng trong công nghệ làm đồ nhựa, phân hoá học và các hoá chất để làm vệ sinh.

Melamine không có tính cách bổ dưỡng, mà chỉ gây tác hại trên thận, bàng quang và da. Trong thận, Melamine kết tinh thành những tinh thể làm tắc hệ thống lọc nước tiểu và tạo ra sạn thận. Lâu ngày sẽ làm thận suy yếu, và đưa tới ung thư thận và bàng quang. Đối với phụ nữ, Melamine làm tổn thương hệ thống sinh sản và làm hư thai nếu người phụ nữ đang mang bầu.

Sữa bột được pha chế với Melamine có mục đích làm sai lạc kết quả xét nghiệm, người thử nghiệm sẽ lầm tưởng là sữa có nhiều chất bổ dưỡng (chất đạm) vì Melamine có phân lượng Nitrogen cao, và thử nghiệm số lượng chất bổ dưỡng thì dựa trên số lượng Nitrogen chứa trong sữa. Nói chung, pha chế Malemine vào sữa là hành động của bọn gian thương, trục lợi, và vô lương tâm.

Điều đáng nói, là các hãng sữa pha trộn Melamine để làm sai lạc kết quả thử nghiệm đều là những hãng sữa cột trụ và nổi tiếng là gương mẫu tại TQ. Các thành viên đứng đầu của các hãng sữa này đều là những người có địa vị cao trong đảng Cộng sản hoặc chính quyền TQ. Hãng Mengniu đang bảo trợ cho chương trình chinh phục không gian: Thân Châu 5 và 6. Hãng Yili bảo trợ chương trình Olympic 2008. Bà Thiên Văn Hoa, thành viên hàng đầu của Sanlu là một vị tai to mặt lớn trong đảng Cộng sản TQ. Sự liên kết giữa chính trị và kinh tế làm cho họ có đầy đủ quyền lực để tự tung tự tác, coi thường hậu quả.

Tình trạng sữa bột nhiễm độc Melamine gây bệnh sạn thận cho đa số trẻ em đã được hãng Fonterra tại Tân Tây Lan thông báo cho ban quản trị Sanlu ở TQ từ ngày 2 tháng 8. Hãng Fonterrea của Tân Tây Lan là một thành viên có 43% cổ phần và có 3 trong số 7 đại biểu trong hội đồng quản trị của Sanlu. Tuy nhiên sự thông báo này không được ban quản trị TQ đáp ứng. Thời gian này, TQ đã gần kề ngày Thế Vận Hội. Chính quyền TQ ra lệnh nghiêm ngặt cho báo chí không được đăng tải những tin tức gây bất lợi và tai tiếng cho chính quyền. Nhóm Fonterra nôn nóng thúc dục TQ sớm tìm giải pháp để giải quyết kịp thời. Có tất cả 3 buổi họp diễn ra trong tháng 8, và buổi họp cuối cùng vào ngày 22 tháng 8, tức là 2 ngày trước khi chấm dứt Thế Vận Hội, nhưng TQ cũng vẫn chưa có quyết định cụ thể.

Cuối cùng, ngày 8/9, chính quyền Tân Tây Lan, bà Thủ Tướng Helen Clark, phải lên tiếng thúc dục, lúc đó TQ mới từ từ hé màn bí mật. Sữa bột bị thu hồi chậm trễ 6 tuần lễ kể từ ngày Fonterra lên tiếng báo động. Biết bao trẻ em đã nhiễm bệnh hiểm nghèo trong thời gian 6 tuần lễ này?

Nhà cầm quyền TQ đặt nặng vấn đề phô trương uy tín và quyền lực mà quên mất nhiệm vụ “cứu bệnh như cứu hoả”. Chính quyền TQ quả là một chính quyền vô nhân tính, thiếu trách nhiệm và kém khả năng giải quyết một vấn đề sinh tử của những người tiêu thụ sản phẩm của TQ.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên sữa bột nhiễm độc Melamine được báo động. Tháng 12 năm 2007, một người dân TQ thấy con gái mình được nuôi bằng sữa bột hiệu Sanlu, có tình trạng sức khoẻ mỗi ngày một suy yếu. Nước tiểu của em thì đặc quánh, mầu vàng đậm, và có lẫn nhiều tinh thể li ti. Ông ta hoài nghi là sữa bột đã bị nhiễm độc, nên đã làm đơn xin thử nghiệm lại phẩm chất của sữa, nhưng những lời đề nghị của ông ta không được hãng sữa cứu xét. Ông ta có làm đơn khiếu nại với những cấp lãnh đạo trong chính quyền, nhưng lá đơn của ông cũng không được trả lời. Chuyện này xảy ra chứng tỏ chính quyền TQ coi thường ý kiến của người dân. Người tiêu thụ chỉ là công cụ để làm giàu cho bọn doanh nhân bất chính với sự bao che, chia chác của chính quyền…

Trong lúc nhân dân TQ hoảng hốt lo đối phó với hậu quả của sữa nhiễm độc, thì quốc tế cũng tìm đủ mọi biện pháp để kiểm tra chất lượng các thực phẩm nhập cảng từ TQ. Tại Anh, Úc, Singapore và Hoa Kỳ, nhiều thực phẩm chế biến từ sữa như kẹo sữa White Rabbit, Kit Kat bars, Snicker bars, cà phê sữa, bánh ngọt TQ, sữa đậu nành đều bị trả về vì chứa hàm lượng Melamine khá cao. Đại Hàn cho kiểm tra sâu rộng 428 loại thức ăn nhập cảng từ TQ. Tại Hoa Kỳ, mặc dầu không nhập cảng sữa bột TQ, nhưng FDA cũng ráo riết thanh tra các cửa hang tạp hoá Á Châu để thu hồi sữa và những thực phẩm nhập nội trái phép. Đại Hàn, Mã Lai Á và Singapore công bố tìm thấy Melamine trong các rau và trái cây xuất cảng từ TQ do dùng phân bón có chất này.

Theo Giáo sư Nguyễn Phúc Liên, giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Thụy Sĩ, thì không riêng gì thực phẩm, các sản phẩm khác của TQ từ giầy da Italy, đồ gia dụng tới vật liệu xây cất lớn cũng như nhỏ đều sản xuất không đủ tiêu chuẩn, kém phẩm chất và đã gây ra nhiều tai nạn lao động. Nhãn hiệu “made in China ” mặc dù giá rẻ nhưng đã mất hết niềm tin của giới tiêu thụ trên thế giới vì phẩm chất quá kém cỏi. Nền kinh tế của TQ đang trên đà tuột dốc sau vụ sữa nhiễm độc Melamine.

Gian thương TQ với sự tiếp tay của chính quyền phải chịu trách nhiệm về cái chết và sự tàn phá sức khoẻ của mấy chục ngàn trẻ em TQ. Xã hội chủ nghĩa luôn đề cao “chuyên chính vô sản”, nhưng chính những người mạnh miệng hô hào lại là những gian thương bất chính, vơ vét cho đầy túi tham. Nếu sữa bột được kiểm tra và thu hồi từ 9 tháng trước (12/2007), khi mới được báo động, thì có lẽ mấy chục ngàn trẻ em đã không phải mang bệnh hiểm nghèo.

Giáo sư Trương Minh của trường Đại học Nhân Dân Bắc Kinh đã nhận xét về chính quyền của mình: Giữa sự ổn định chính trị và sức khoẻ của nhân dân thì chính quyền luôn luôn coi sự ổn định là ưu tiên. Họ đặt nặng sự tồn tại của chính họ hơn là sự tồn tại của thế hệ nối dòng.

Đan Tâm

---