Thursday, November 13, 2008

DAI TRUYEN HINH SBTN PHONG VAN DLT

CHƯƠNG TRÌNH ‘HUYNH ĐỆ CHI BINH’
ĐÀI TRUYỀN HÌNH SBTN, CALIFORNIA-USA
PHỎNG VẤN NHÀ VĂN ĐINH LÂM THANH



***


HUY PHƯƠNG THỰC HIỆN,
SBTN PHÁT HÌNH TRÊN TOÀN NƯỚC MỸ, CANADA & ÚC ĐẠI LỢI
NGÀY 30.10.2008


SBTN : Huy Phương và Chương trình Huynh Đệ Chi Binh hân hạnh được tái ngộ cùng quý vị khán thính giả SBTN.

HP : Kính thưa quý vị và các ban, hôm nay được đón tiếp anh Đinh Lâm Thanh, một chiến hữu của chúng ta từ Pháp sang quận Cam . Anh Đinh Lâm Thanh tốt nghiệp khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức và đã ở trong quân đội nhiều năm, sau đó bị tù đày hơn ba năm và lưu lạc qua tới Pháp. Sau nầy khi đã lớn tuổi thì anh đã hoạt động trở lại với cộng đồng cũng như hiện giờ anh là biên tập viên của tờ Chính Việt cũng như tờ KBC Hải Ngoại. Tôi nghĩ đây là một chiến hữu của chúng ta ngày nay không còn súng nhưng mà anh cầm viết. Kính chào anh Đinh Lâm Thanh.

ĐLT : Kính chào anh Huy Phương và kính chào quý vị khán thính giả của đài SBTN.

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, để làm quen với các chiến hữu chúng ta hiện đang ngồi trước máy truyền hình thì xin anh sơ lược nói qua về cuộc đời quân ngũ của anh, sau đó định cư tại Pháp và anh đến Pháp bằng con đường nào ?

ĐLT : Dạ thưa anh Huy Phương, đến tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân dịch thì tôi trình diện khóa 24 SQTB Thủ Đức sau khi được hoãn 4 lần. Ra trường với cấp bậc chuẩn úy và tôi chọn về Sư Đoàn 23 Bộ Binh với chức vụ trung đội trưởng tác chiến ở vùng Cao nguyên, sau đó đã dự các trận mùa hè đỏ lửa tại Pleiku và Kontum năm 1972. Thật ra thì lên cấp đại úy trước ngày mất nước chừng hai tháng, nhưng mà thưa anh Huy Phương cũng như kính thưa quý vị khán thính giả và các anh em trong quân đội, kỷ niệm đời quân ngũ của tôi, cái mà tôi trân trọng nhất và mến nhất là cấp bậc chuẩn úy. Bây giờ tôi vẫn hân hạnh với cấp bậc chuẩn úy của tôi. Với chức vụ trung đội trưởng tác chiến, tôi đã sống chung cùng anh em chiến binh, 24 người lính đã cùng tôi hành quân từ vùng Đức Lập, Quảng Đức cho đến Banmêthuộc, nhưng bây giờ một điều tôi vẫn còn ân hận là tất cả những người kia đã nằm xuống… chỉ còn một mình tôi sống sót hải ngoại nầy mà thôi.

HP : Thưa anh, như vậy thì anh đến Pháp bằng con đường nào ?

ĐLT : Dạ thưa anh, sau khi ở tù trên ba năm và khoảng sáu tháng thì tôi được thả về, đúng vài ngày sau, tôi đã vượt biên bằng thuyền và đến MãLai. Sau khi đến MãLai thì phái đoàn Pháp đến và họ bảo rằng nên xin đi Pháp, bởi vì về đây thì có thể đưa gia đình qua Pháp nhanh chóng hơn. Vả lại thời học sinh, tôi theo chương trình Pháp, tôi ước ao được sờ chân tour Eiffel, được đi dưới vườn Luxembourg, được nhìn các tượng đá của thành phố Paris… do đó trong trại tỵ nạn Mã Lai tôi đã chọn đi Pháp. Đến Paris cuối năm 1979 và rất may mắn cho tôi, sau khi đến Pháp chừng hơn ba tháng tôi đã có quốc tịch Pháp là nhờ một người thầy cũ, một giáo sư đại học tại Việt Nam trước kia và cũng là giáo sư đại học Nanterre ở Pháp. Chính ông ta đã giúp đở cho tôi trở thành công dân Pháp và tôi bảo lãnh gia đình qua bằng máy bay sau đó một thời gian rất ngắn.

HP : Thưa anh, theo như những người có hoàn cảnh như anh cũng như đồng bào đã vượt biên và đến Pháp, thưa anh, anh đã có dịp sống ở Mỹ rồi thì đời sống bên đó tôi nghe rằng khó khăn hơn những quốc gia khác. Thưa anh, điều đó có đúng không ?

ĐLT : Thưa anh, dạ đúng. Nếu nói về đời sống kinh tế của Pháp thì khó khăn thật, nhưng nói về đời sống y tế thì dễ thở hơn. Nếu nói về tình đồng hương thì có lẽ thiếu hơn ở bên nầy là bởi vì bên nầy người tỵ nạn chúng ta tập trung vào hai ba thành phố lớn, chúng ta xử dụng chung một ngôn ngữ là chúng ta nói tiếng Việt, chúng ta có những cơ quan, những khu chợ và trường học dành riêng cho người Việt. Ở Pháp thì thiếu những vấn đề đó vì tại đây chỉ có vài ba trăm ngàn người định cư rải rác trong các tỉnh. Riêng tại các thành phố lớn như Paris , Lyon và Marseille cũng chỉ là một số nhỏ so với người địa phương và Á Châu khác, do đó đời sống bên Pháp không được vui bằng ở bên Mỹ nầy.

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, Anh có nhận xét gì về đồng hương chúng ta ở Paris nói riêng, ở Pháp nói chung và các hội đoàn quân nhân bên đó ? Anh có thể kể sơ một vài để anh em chúng ta ở xa có thể nhìn thấy bên Pháp hoạt động như thế nào ?

ĐLT : Thưa anh, các cộng đồng ở Pháp thì nhỏ lắm anh, không lớn bằng những cộng đồng ở Mỹ nầy hoặc bên Úc. Mặc dù nhỏ bé nhưng có tinh thần đùm bọc nhau và những người lãnh đạo cộng đồng có tinh thần bất vụ lợi, tinh thần đồng hương và nhất là những anh em đó đều nằm trong quân đội, trong cảnh sát và thuộc các binh chủng của Việt Nam Cộng Hòa. Thưa anh biết là đối với quân đội chúng ta, mặc dù ngày hôm nay không còn áo lính, không có súng, không mang cấp bậc nhưng khi nói đến những người lính Việt Nam Cộng Hòa , những người đã cùng chiến đấu một màu cờ thì tất cả đều là anh em với nhau. Do đó ở bên Pháp có nhiều hội đoàn cựu quân nhân, chúng tôi không phân biệt tướng, sĩ quan hay hạ sĩ quan vì các hội đoàn quân đội tại Châu Âu cũng bao gồm từ tướng xuống đến anh em binh sĩ. Chúng tôi cùng hòa đồng với nhau, hoạt động với nhau bình thường trên tinh thần phối hợp quân đội với các tổ chức khác để góp sức với các cộng đồng trong chương trình tranh đấu tổ chức hằng năm.

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, trở lại với cá nhân anh thì anh đã hoạt động văn nghệ, viết lách, anh có thể sơ lược trình bày cho chiến hữu chúng ta biết qua về các hoạt động đó như thế nào ?

ĐLT : Thưa anh, trước đây thì tôi có viết báo, viết sách nhưng chỉ có tính cách tài tử, nhưng sau khi tôi về hưu, khoảng cách đây chừng bốn năm, tôi bắt đầu viết sách. Hiện gời tôi đã xuất bản được bảy cuốn trong đó gồm có sáu cuốn truyện dài và ngắn và một tập thơ. Ngoài ra tôi còn viết những đề tài tham luận chính trị và phụ trách cho nhiều tờ báo bên nầy như KBC Hải ngoại, Chính Việt và viết cho những tờ báo in ở bên nầy rất nhiều. Mục đích tôi muốn mượn ngòi bút để tiếp tục con đường lính của tôi.

HP : Thưa anh, anh đã trải qua nhiều năm trong quân đội cũng trong tù, vậy trong số sách của anh có khoảng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm viết anh về cuộc đời lính, nhắc lại những kỷ niệm cũ hay là những gì liên quan đến đời lính và tù tội của anh không ?

ĐLT : Thưa anh, liên quan khoảng bốn mươi phần trăm về đời sống trước và sau trong quân đội, trong đó có những bài viết về lính, người vợ lính hoặc về hoàn cảnh của những gia đình người lính ngày trước. Bốn mươi phần trăm dành ca tụng con người Việt Nam của chúng ta, ca tụng người đàn bà, các trẻ em, thanh niên, các cụ già còn ở tại Việt Nam , ca tụng những thành phần trẻ thành công ở xứ ngoài. Hai mươi phần trăm sau đó là vấn đề chính trị có liên quan trong các tác phẩm của tôi.

HP : Thưa anh, trước năm 1975, theo anh chỉ viết với tính cách tài tử và sau khi đến định cư tại nước Pháp, cuộc sống khó khăn thì anh phải chật vật để lo gầy dựng lại gia đình và nuôi con cái, nhưng sau đó, lý do nào khiến anh đã cầm ngòi bút ?

ĐLT : Dạ thưa là những gì chất chứa trong lòng : Thứ nhất là tình cảm quê hương, dù xa quê ở chân trời góc biển nào đi nữa thì đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam vẫn là đề tài, vẫn là trăn trở trong cuộc đời của tôi, mà thưa anh, từ những ấm ức đó thì tôi mới viết ra được. Đa số những văn nghệ sĩ thường chọn đề tài tình yêu làm điểm tựa và đối tượng sáng tác văn thơ, viết sách. Riêng đối với tôi, tình yêu quê hương là đối tượng giúp tôi viết thành văn.

HP : Thưa anh, nói về quê hương thì bây giờ chiêu bài trong nước họ dùng hình ảnh quê hương để quyến rũ đồng bào hải ngoại, từ thức ăn, du lịch cho đến văn nghệ như hình ảnh ‘duyên dáng Việt Nam’… thì anh quan niệm về hai chữ quê hương như thế nào ?

ĐLT : Thưa anh, quê hương vẫn sống mãi trong lòng của chúng ta nhưng không phải quê hương dưới một chế độ cọng sản. Tôi cũng muốn về thăm quê hương và ca tụng quê hương bây giờ, nhưng tiếc thay quê hương dưới chế độ cọng sản bị thái hóa rồi anh ! Từ tình cảm con người, đạo đức con người cũng đã bị mất đi. Tất cả bộ mặt mới quê hương bây giờ không còn là một hình ảnh trung thực mà tôi hằng ao ước. Bởi vì quê hương mà tôi ao ước là một đất nước thanh bình, có tự do dân chủ, một quê hương mà người dân đói có cơm để ăn, đau có chỗ chữa trị và trẻ nhỏ phải có trường học chứ không phải là một quê hương giàu có, mạnh mẽ mà chỉ phục vụ cho một số người có tiền, thì nơi đó không phải là quê hương của tôi. Tôi không chối bỏ quê hương và tôi cố gắng làm một cái gì đó với ngòi bút, với một tâm tình và một bàn tay nhỏ bé để làm thế nào có thể hợp tác với tất cả anh chị trong cộng đồng ở hải ngoại để làm một cái gì đó cho quê hương. Quê hương của tôi dưới con mắt hiện giờ là một cái gì đáng thương và đáng nhớ, thưa anh.

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, có lẽ anh chưa về Việt Nam nhưng với một nhà văn, mình có những nghiên cứu để có chất liệu mà viết, thì anh nhận định về thế hệ thanh niên bây giờ sinh sau năm 1975 ?

ĐLT : Dạ thưa anh, thanh niên Việt Nam sinh sau năm 1975 đã sống dưới một chế độ cọng sản, trong đó phải tính có đến 90% những người đã hưởng ân huệ của chế độ mới, dù họ không phải của đảng viên nhưng đã sống dưới một môi trường không biết gì về Việt Nam Cộng Hòa . Do đó những thanh niên sinh sau năm 1975 có một lối nhìn sai lạc do tuyên truyền của cọng sản, do đó họ hình dung ra rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước là một chế độ xấu xa, bóc lột … nhưng mình không thể trách thành phần thanh niên đó, vì họ đã nhìn sai sự thật, họ đã bị nhào nặn và nhồi sọ trong một chế độ, do đó họ hiểu lầm về chế độ Việt Nam Cộng Hòa.. Phần tôi, tôi cũng xin góp sức với tất cả anh chị em văn nghệ sĩ bên nầy và cố gắng làm thế nào để ghi lại bằng bút tích hoặc bằng bất cứ một phương tiện truyền thông nào để cho thế hệ thanh niên sinh sau năm 1975 hiểu được sự thật, vì sự thật đó cần phải được phơi bày để cho các thế hệ sau nầy hiểu. Thật sự có đôi lần tôi đã trò chuyện với vài em du sinh, thì biết rằng du sinh qua đến bên này, ví dụ như Mỹ, Pháp thì họ mới sáng mắt ra và nhìn nhận rằng cha ông họ đã sai lầm. Một khi giới trẻ sinh sau năm 1975 đã nhận thức được cha ông họ sai lầm thì cái đó là một điều vinh hạnh cho nước Việt Nam sau nầy, thưa anh. (Hết phần 1)

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, anh ở xa xôi và anh đến Litlle Sàigòn nhiều lần chưa và lần nầy anh tới có công việc gì không ?

ĐLT : Thưa Anh Huy Phương, từ ba năm nầy, tôi đến Litlle Sàigòn hai lần mội năm. Mỗi lần như vậy thường thường tôi qua để phát hành một cuốn sách. Như vậy đây là lần thứ sáu hay thứ bảy gì đó, như lần nầy tôi qua đây để phát hành cuốn sách mới của tôi chừng ba ngày.

HP : Nhan đề cuốn sách là Một Đời Xót Xa, thưa anh, trước hết là anh dùng bức ảnh Vá Cờ của ông Nguyễn Ngọc Hạnh là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thì câu hỏi của tôi là vì sao anh dùng bức ảnh nầy để làm hình bìa cuốn sách của anh. Anh có ngụ ý gì và nội dung cuốn sách liên quan gì đến bức ảnh nổi tiếng nầy không ?

ĐLT : Thưa anh cuốn sách nầy tôi dùng lá cờ, bởi vì lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là tượng trưng cho nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta, tượng trưng cho tổ quốc, tượng trưng cho niềm hy vọng, tượng trưng cho sự đoàn kết và biểu tượng của ngày về của chúng ta. Khi viết cuốn Một Đời Xót Xa tôi đã cố gắng liên lạc với anh để nhờ anh xin phép anh Nguyễn Ngọc Hạnh được dùng bức ảnh Vá Cờ làm bìa trước cuốn sách và anh Nguyễn Ngọc Hạnh đã vui vẻ cho tôi được xử dụng. Nhân tiện đây tôi xin cám ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. Một Đời Xót Xa là tâm tình của một người cầm bút, thưa anh, thật sự là đơn giản như vậy. Trong Một Đời Xót Xa nầy tôi viết những bài tham luận chính trị, đề cập đến hoạt động của cộng đồng chúng ta và thái độ của chúng ta đối với cọng sản, đồng thời vạch trần tội ác cọng sản ra trong các chương sách. Thưa anh, cuốn sách nầy gần 500 trang, tôi chia ra làm bốn mục, mỗi mục đi vào một vấn đề. Đây không phải là một cuốn truyện mà những bài viết ghi lại những ý nghĩ và tâm tình của tôi đối với tổ quốc, đối với đồng đội, đối với cộng đồng và nhất là đối với những người lính tôi đều bộc lộ trong đây. Thành ra tôi hy vọng cuốn sách nầy sẽ đem lại cho tôi một nguồn an ủi là tôi đã nói được một cái gì với bạn bè, đã nói được cái gì với những người đã chết, nói được cái gì với những người đang tranh đấu và cũng nói được những cái gì với những nguời mà tôi chống đối họ.

HP : Thưa anh, bức ảnh Vá Cờ của ông Nguyễn Ngọc Hạnh từ nội dung đã nói lên một cái gì chúng ta đang rách nát và chúng ta đang cố gắng để hàn gắn lại. Bây giờ nhan đề cuốn sách của anh là Một Đời Xót Xa thì tôi thấy có nghĩa tiêu cực và bi quan thì anh nhận định như thế nào ? Vì sao anh dùng tựa đề nầy để đặt tên cho cuốn sách của anh ?

ĐLT : Cám ơn anh đã hướng dẫn tôi. Nhưng thật sự đối với tôi không phải tiêu cực, bởi vì tôi thấy rằng tôi xót xa cho thân phận của mình, xót xa thân phận của bạn bè... và lá cờ đã rách tượng trưng cho lá cờ của chúng ta bị một tai nạn. Tai nạn đó là ngày 30.4.1975, chúng ta có bổn phận phải vá lại lá cờ và treo lá cờ lên chứ không phải là chuyện tiêu cực. Thưa anh, tôi xin đính chính quan niệm của anh.

HP : Thưa anh, tại sao hai chữ Xót Xa !

ĐLT : Thưa anh, Xót Xa là tâm tình tôi xót xa. Tôi xót xa cho thân phận của tôi. Tôi xót xa cho thân phận của bạn bè, của người lính, của đồng hương và nhất là xót xa cho những người còn ở tại quê nhà.

HP : Thưa anh, bây giờ chúng ta đi vào nội dung cuốn sách của anh vì anh đã trang trải nổi lòng của anh trong đó. Đối với những bài viết tham luận chính trị thì thưa anh, anh quan niệm thế nào về đất nước Việt Nam bây giờ ? Tôi nghĩ anh đã viết trong nầy một phần rồi, nhưng xin anh bày tỏ thêm quan điểm của anh với các chiến hữu của chúng ta.

ĐLT : Thưa anh, đất nước của chúng ta bây giờ, thú thật với anh, dưới chế độ cọng sản đã rách như trái xơ mướp ! Trong cuốn sách, tôi cũng viết là một gánh nặng cho những người. sau nầy, ngay cả những người, ví dụ từ trong chế độ cọng sản phản tỉnh đứng lên thay đổi chế độ cọng sản giống như ở Liên sô và Đông Âu cũ thì họ cũng lãnh lấy một gia tài rách nát. Nếu chúng ta ở ngoài nầy, một mai đóng góp công sức để xây dựng lại đất nước thì cũng thật quá khó khăn vì gia tài Việt Nam đã quá rách nát. Tôi nói rách nát ở đây là rách nát từ trong văn hóa, trong tư tưởng và trong tình người chứ tôi không nói rách nát về bộ mặt bên ngoài của Việt Nam . Như anh cũng biết, tôi bị cấm về Việt Nam nhưng anh cũng thấy rằng nhìn nhà cửa, đường sá thì đẹp, ăn chơi thì đẹp với khách sạn năm sao, những nhà tắm hơi cao cấp… nhưng anh thấy sau lưng đó là cái gì ? Sau lưng đó là những trẻ em thất học, đi bụi đời, móc túi và sau lưng đó nữa là lớp thanh niên thiếu nữ không có nghề nghiệp để sinh sống, cuối cùng phải đi, tôi dùng chữ ‘đăng ký’ của cọng sản, ghi tên để được xuất khẩu. Con gái cũng phải ghi tên kiếm chồng bên ngoài để giải quyết vấn đề kinh tế. Tại sao một nước đã ba mươi ba năm ngưng chiến tranh, tiền của đi vào như nước nhưng vẫn còn những người nghèo đói, còn những người thất học, còn những người đau không có tiền đến nhà thương là một chuyện không thể chấp nhận được. Tôi công nhận xứ Việt Nam nghèo nhưng bây giờ người ta nói đến bạc tỷ, không ai nói bạc đồng giống như bên Tây bên Mỹ, nhưng mà ai có bạc tỷ ? Thì chỉ có cán bộ và những người sống bám theo cán bộ trong lúc một công nhân bình thường, họ chỉ lãnh bốn trăm ngàn, năm tram ngàn. Bốn năm trăm ngàn để làm được gì ? Chưa đủ hai miệng ăn trong gia đình thì làm sao người ta có thể cho con cái đi học ! Vấn đề tốt đẹp, văn minh tiến bộ của một nước là phải nghĩ đến vấn đề văn hóa cho trẻ con, phải nghĩ đến vấn đề bệnh tật cho người đau ốm và phải nghĩ đến vấn đề ăn no mặc ấm cho dân nghèo. Đó là vấn đề quan trọng nhất mà theo tôi nghĩ, đánh giá một quốc gia nào là phải đặt nặng vấn đề trên ba điểm đó chứ không phải đánh giá bằng hình ảnh nhà lầu, khách sạn và những nơi ăn chơi trác táng.

HP : Đó là nói về kinh tế. Anh có quan niệm gì về đạo lý của đất nước chúng ta bây giờ ?

ĐLT : Thưa anh, đạo lý thì đã mất quá nhiều rồi anh ! Không phải do suy luận mà hằng ngày qua các báo điện tử của cọng sản, tôi thấy ở Việt Nam cái tình người và tinh thần đạo đức không còn nữa, mà đạo đức con người không còn nữa thì xã hội sẽ sa đọa. Vì một vài đồng bạc anh em có thể đâm chém giết nhau, vì một miếng ăn cha mẹ có thể bán con cái vào động điếm, vì một củ khoai củ sắn người ta có thể đâm chém nhau ở ngoài đường. Tình người không còn so với xã hội Việt Nam trước năm 1975, như anh và tôi thời đó chúng ta đã trưởng thành, thì phải công nhận rằng không có những tình trạng như vậy. Đồng ý trước năm 1975 cũng có nhà nghèo, cũng có những thành phần đầu trộm đuôi cướp nhưng không đến nổi tràng giang đại hải giống như bây giờ. Đối với Việt Nam một khi nói đến vấn đề đạo đức thì cần phải xét lại. Cọng sản mai kia sẽ ngã gục nhưng việc truyền bá lại đạo đức cho người dân trưởng thành dưới chế độ cọng sản để họ trở thành người lương thiện thì thật rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải đặt vấn đề ngay từ bây giờ !

HP : Xin cám ơn anh, nguyện vọng của người Việt hải ngoại chúng ta là mong muốn một nước Việt Nam trong tương lai có tự do, có nhân quyền, thì theo anh, chủ lực chính để làm việc đó là ai ? Ở trong hay ngoài nước ? Và ngoài nước, những cộng đồng của đồng bào hải ngoại chúng ta phải làm gì để đóng góp ? Câu hỏi tôi muốn nhắc lại anh, thế lực nào cần thiết để làm nên sự nghiệp cãi đổi đất nước Việt Nam của chúng ta ?

ĐLT : Dạ thưa anh, anh hỏi tôi câu nầy thì hơi cao với tầm mức của tôi bởi vì tôi chỉ là một con người quá nhỏ bé và sự hiểu biết cũng không đi tới đâu. Nhưng anh đã hỏi thì cũng xin phép anh góp một vài ý kiến nhỏ. Kính thưa quý vị, quý vị nào không vừa ý quan niệm của tôi thi xin bỏ qua hoặc xin bổ túc. Tôi xin đóng góp như sau, muốn thay đổi chế độ hiện thời là do chính người Việt Nam trong nội địa chứ không phải là thế lực từ bên ngoài. Thành phần lãnh đạo và thành phần hành động nòng cốt để đánh đổ chế độ cọng sản, thưa anh, tôi cũng đã viết trong cuốn sách nầy bài ‘Con Đường Chúng Ta Đi’. Tôi phân tách rõ chúng ta phải làm gì và việc lật đổ bạo quyền phải do trong nội bộ của Việt Nam . Những thành phần nằm trong nội bộ Việt Nam, khởi đầu nồng cốt là sinh viên học sinh, thanh niên, giáo dân, tín đồ, dân oan… là những tổ chức, có thực lực để làm chủ lực chính để tạo một cuộc cách mạng tại Việt Nam. Ngòi nổ chính là quân đội, chính là công an và chính ngay là những người ở trong đảng cọng sản mới có thể làm một cuộc cách mạng thay đổi được chế độ. Ngoài nầy chúng ta chỉ yểm trợ tinh thần, tài chánh… còn nếu nói chuyện vác súng về Việt Nam thì chuyện đó sai đã lầm rồi !

HP : Thưa anh Đinh Lâm Thanh, chúng tôi thay mặt cho anh em chiến hữu, chương trình Huynh Đệ Chi Binh cám ơn anh đã trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay. Chương trình quá ngắn trong lúc câu chuyện của chúng ta còn dài xin hẹn anh một dịp khác và xin mời anh gởi lời chào các chiến hữu.

ĐLT : Dạ, xin cám ơn anh Huy Phương, đài truyền hình SBTN đã dành cho tôi buổi nói chuyện hôm nay vì còn hai ngày nữa thì tôi sẽ trở về lại Paris. Nhân tiện đây xin phép đài SBTN để chuyển lời cám ơn của tôi đến các anh em chiến hữu cũng như quý vị khán thính giả đã theo dõi chương trình nầy.

---