Tuesday, November 11, 2008

Giải Nhân Quyền Sakharov

Giải Nhân Quyền Sakharov

Trung tuần tháng 10 năm 2008, ông Hans-Gert Pottering, Chủ tịch Nghị Viên Âu Châu vừa chính thức công bố tại Strasbourg, Pháp Quốc: Giải Nhân Quyền Sakharov 2008 sẽ được trao tặng cho ông Hu Jia, người đã có những đóng góp tích cực cho nhân quyền tại Trung Quốc (TQ). Ông Hu Jia là một trong 8 người trên thế giới được đề cử.

Ông Hu Jia là một nhà đối lập 35 tuổi, ông đã bị chính quyền TQ bắt giam từ cuối năm 2007, trước khi bị chính thức kết án tù 3 năm rưỡi vì tội “khích động dân chúng nổi dậy”. Vợ ông, bà Zeng Jinyan, một phụ nữ 25 tuổi và đứa con gái 11 tháng đang bị quản thúc chặt chẻ trong căn nhà tại một chung cư ở Bắc Kinh. Trong quá trình tranh đấu, ông Hu Jia đã lập hồ sơ các vụ vi phãm nhân quyền ở trong nước, trao đổi, hợp tác với các nhà tranh đấu cho nhân quyền khác, và liên lạc với các cơ quan thông tin ngoại quốc. Ngoài ra, ông còn tích cực tranh đấu cho việc bảo vệ môi sinh, và quyền lợi những người bị bệnh AIDS. Ông Hu Jia được cũng đề cử giải Nobel Hoà Bình 2008 nhưng không được chọn.

Ông Pottering khẳng định rằng: Chọn ông Hu Jia để trao giải Sakharov là hậu thuẫn cho cuộc tranh đấu cho lý tưởng tự do của nhân dân TQ. Ông Daniel Cohn-Bendit phát biểu: Trao giải cho ông Hu Jia là phản ánh đúng theo tinh thần của giải Sakharov. Giải này cổ vũ cho tự do tư tưởng và ủng hộ những nhà tranh đấu cho nhân quyền đang bị chính quyền đàn áp.

Chính quyền TQ đã làm đủ mọi cách để ngăn cản việc ông Hu Jia được tuyển chọn. Trong những tuần lễ cuối, chính quyền TQ liên tiếp gửi thư từ, điện thoại, emails thôi thúc Nghị Viên Âu Châu đừng chọn ông Hu Jia. Đại sứ TQ làm việc tại Liên Hiệp Âu Châu, ông Zong Zhe, đã gửi một lá thư cho ông Hans-Gert Poettering, nhắc nhở rằng: “Việc quyết định chọn ông Hu Jia cho giải thưởng Sakharov sẽ làm rạn nứt tình hữu nghị giữa TQ và Nghị Viên Âu Châu (NVAC). Hơn nữa, sự lựa chọn này cũng không giúp ích gì cho việc xây dựng nhân quyền trên thế giới”.

Tuy nhiên những áp lực từ phía TQ không làm thay đổi ý kiến của NVAC. Trong phiên họp quyết định, khi tên ông Hu Jia được loan báo tuyển chọn, thì những tràng pháo tay vang dội, dường như không dứt để ủng hộ việc tuyển chọn xứng đáng này.

GIẢI SAKHAROV:

Giải Sakharov được khai sinh năm 1988 để ghi nhớ ông Andrei Sakharov, một nhà bất đồng chính kiến Liên Xô đã mạnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng các ký kết về nhân quyền quốc tế.

Ông Sakharov, người phát minh ra bom nguyên tử tại Liên Xô, sinh ngày 21 tháng 5 năm 1921, đậu bằng Vật lý tại Đại học Moscow. Vì là một học sinh ưu tú, nên ông được miễn dịch trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến và năm 1948, được chỉ định vào làm việc trong chương trình vũ khí nguyên tử tại Liên Xô. Tại đây, ông luôn luôn bị ám ảnh về sự tàn phá nhân loại bởi các võ khí nguyên tử.

Năm 1968, ông viết bài “Reflexion” chỉ trích bộ máy chính quyền Sô Viết và đề cao dân chủ và tình nhân loại. Bài viết của ông được âm thầm gửi ra ngoại quốc và được báo New York Times đăng tải. Tới cuối năm 1969, đã có 18 triệu bản copy bài viết của ông được luân lưu trên toàn thế giới.

Vì bài viết này mà ông bị sa thải khỏi chương trình võ khí nguyên tử. Ông càng tích cực tranh đấu cho nhân quyền mạnh mẽ hơn và sau bài viết chỉ trích quân đội Liên Xô xen vào nội bộ Afghanistan , ông bị chính quyền lưu đày tại Gorkii vào tháng Giêng năm 1980. Tới tháng 12 năm 1986, ông được Mikhail Gorbachev mời về làm việc trong Quốc Hội.

Ông bền bỉ tranh đấu cho nhân quyền cho tới khi ông từ trần vào ngày 14 tháng 12 năm 1989. Ông Andrei Sakharov được giải Nobel Hòa Bình năm 1975.

Năm nay, 2008, để đánh dấu 20 năm ngày thành lập giải Sakharov, tất cả các thành viên đã từng trúng giải đều được mời về Strasbourg vào ngày thứ Ba 16 tháng 12 và lễ trao giải Sakharov sẽ được cử hành long trọng vào ngày 17 tháng 12.

Người trúng giải sẽ được trao bằng tưởng lệ và số hiện kim là 50.000 Euros.

THẾ NÀO LÀ NHÂN QUYỀN

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được phổ biến lần đầu tiên, trước toàn thế giới vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Theo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền thì mọi người sinh ra đều được bình đẳng về phẩm cách cũng như về quyền sống. Các quyền tự do của con người cần phải được tôn trọng: điển hình như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do hội họp, v.v… Mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật.

CẢM NGHĨ VỀ GIẢI SAKHAROV:

Giải Sakharov là giải thưởng cao quý, đề cao tự do tư tưởng để ghi nhớ sự tranh đấu cho nhân quyền của một người Liên Xô, ông Andrei Sakharov. Ông đã sinh ra, lớn lên, và làm việc suốt cuộc đời tại Liên Xô, một xã hội Cộng sản. Hàng ngày, ông đã chứng kiến những bất công, những sự đối xử hà khắc của chính quyền với người dân trong nước nên đã cương quyết đứng lên để tranh đấu cho nhân quyền. Các nhân vật được lãnh giải thưởng đều là những người xuất thân từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa như Cuba , TQ, các nước độc tài, quân phiệt như Miến Điện, các nước ít mở mang như Nam Phi, Đông Timor . Chúng ta chưa hề nghe chuyện tranh đấu cho nhân quyền tại các nước tiến bộ như Âu Mỹ. Chúng ta cũng tự hỏi tại sao?

Tại những nước tiến bộ, chính quyền tôn trọng người dân, các chức vị lãnh đạo như tổng thống, thị trưởng, đại biểu, dân biểu… đều cho người dân bầu lên và họ có thể bị người dân truất phế nếu không làm được việc. Trong Quốc Hội thì có nhiều đảng phái, đảng này quan sát đảng kia và sẵn sang phê bình, chỉ trích nếu đảng kia làm sai. Người dân tại các nước tiến bộ, có thể lên tiếng chỉ trích, phê bình chính phủ qua báo chí, thư từ, điện thoại, hoặc có thể tổ chức những cuộc biểu tình mà không hề sợ bị đàn áp, tù đày. Nói tóm lại, ở các nước Âu Mỹ, nhân quyền được tôn trọng đúng theo quy định. Như vậy thì đâu còn cần tranh đấu nữa.

Các quốc gia Cộng sản thì trái lại, chỉ có 1 đảng duy nhất nên đảng có sức mạnh tuyệt đối, không có ai kềm chế. Những chức vụ lãnh đạo trong nước không do dân bầu ra, mà do đảng chỉ định. Cùng phe, cùng nhóm, dễ dàng đưa tới bè phái, bao che, móc ngoặc, phân chi quyền lực để cùng nhau thu lợi. Người dân trong chế độ XHCN chỉ được quyền nói những gì nhà nước cho phép nói, làm những gì nhà nước cho phép làm, nếu không thì bị bỏ tù, bị đàn áp thẳng tay. Vì những bất công này mà có những người như ông Andrei Sakharov, ông Hu Jia đứng lên đòi hỏi nhân quyền.

Theo báo “Los Angeles Time” ấn bản ngày 7 tháng 11 thì chính quyền TQ sau khi bị quốc tế chỉ trích nghiêm khắc về tự do ngôn luận đã lên tiếng hứa hẹn sẽ cải tổ và nới rộng tự do báo chí, cũng như chính sách hành hạ tàn nhẫn những tù nhân. Tuy nhiên hứa hẹn và thực hành ở các nước XHCN hoàn toàn khác xa nhau. Mọi người hiện đang hồi hộp cho sự đối xử phục thiện của TQ.

Tại VN, thế giới cũng xác nhận rằng nhân quyền đã và đang bị vi phạm trầm trọng. Đã nhiều lần quốc tế lên tiếng cảnh cáo, nhưng chính quyền VN vẫn chứng nào tật nấy. Nghị quyết ngày 22 tháng 10 tại Strasbourg yêu cầu Uỷ Hội Âu Châu đánh giá lại chính sách hợp tác với VN dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và quyền căn bản của con người. Nghị Viên Âu Châu cũng ra nghị quyết “đòi hỏi VN phải đưa ra những bằng cớ cụ thể về việc cải thiện nhân quyền”.

Còn người dân Việt Nam nghĩ sao trong việc tranh đấu cho tự do và quyền sống của chính mình?

Đan Tâm

---