Con đường chông gai trước mặt của Obama
Sau chót thì ông Obama đã thắng cử, và trở thành tổng thống Mỹ thứ 44. Một người da đen, tóc xoắn vì là gốc Kenya lai Mỹ trắng, ông bố theo Hồi giáo. Obama theo Thiên chúa giáo, mà người mục sư đỡ đầu đã từng có những tuyên bố chống Mỹ. Đây là một điều vô cùng thất lợi cho Obama, nhưng cũng chính vì thế mà ngưòi ta thấy cái tài ăn nói, hay nói cho đúng hơn cái cách nhìn vấn đề khó khăn và tế nhị này của Obama, qua bài diễn văn trần tình rất nhân bản. Obama cũng đã bị vạch ra là thời thanh niên mới lớn từng giao du thân mật với một tay hoạt động quá khích chủ trương ném bom các cơ sở chính quyền, là William Ayers thập niên 60. Trong quá trình tranh cử kéo dài và gay go với bà Hillary Clinton, khi tình hình cho thấy Obama có vẻ thắng thế, thì đã nẩy ra câu hỏi “liệu nước Mỹ có sẵn sàng chấp nhận một tổng thống da màu hay chưa”. Tức là phản ảnh sự phân biệt mầu da vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức nhiều người dân Mỹ, dầu rằng kỳ thị chủng tộc bị coi là phạm pháp ở nước Mỹ đã hơn nửa thế kỷ. Ngoài ra, trong những thời gian đầu, người Mỹ da đen đã không nhanh chóng ủng hộ Obama như là truờng hợp các ứng cử viên tổng thống da đen khác. Và những cộng đồng sắc tộc khác thì cũng lạnh nhạt đối với viễn tượng một tổng thống da đen. Sau chót thì phải nói đến thế lực ngưòi Mỹ Do Thái rất mạnh đã chống Obama vì lập trường chống chiến tranh Iraq của ông mà ủng hộ Hillary Clinton tới cùng.
Thế mà Obama đã thắng, và thắng lớn. Tại sao?
Những nhà coi tướng giải thích rằng Obama tướng rồng mà McCain tướng rùa. Cả hai con đều là tứ linh nhưng con rùa thì không thể nào thắng con rồng, theo như thứ tự long ly quy phượng. Nghe có lý. Lại có nhà tử vi dịch lý nói rằng Obama có số thiên lộc nghĩa là được hưởng phúc từ trời cho. Cho nên khó khăn đến mấy mà số làm tổng thống Mỹ thì phải làm, không tránh được. Cũng có lý. Nhưng bỏ sang bên cái mệnh, cái số, thì tại sao mà Obama lại thắng?
Trong xã hội Mỹ mà quảng cáo giữ phần quan trọng làm ảnh hưởng đến suy nghĩ con người, thì hình dáng bề ngoài, nói năng lưu loát là một yếu tố quan trọng, tuy người ta đã chỉ ra rằng hùng biện không phải là yếu tố cần thiết để làm tổng thống. Vì ông Bush vẫn làm tổng thống tuy nói năng không lấy gì làm hấp dẫn mà lại có chữ đọc ngọng.
Có hai yếu tố nền tảng quyết định thắng lợi cho Obama. Một là lập trường chống chiến tranh Iraq và rút quân khỏi vũng lầy này làm quần chúng thích, hai là kinh tế suy đồi khiến liên danh cộng hoà McCain mất điểm. Và cũng phải nói rằng khẩu hiệu “Thay đổi” của Obama có sức lôi cuốn đặc biệt trong cái tâm lý chung là chán lối làm chính trị ù lì của Washington DC . Phân tích kỹ hơn thì thấy rằng truyền thông đã đóng một vai trò quan trọng về mặt nổi, nhưng đi vào bản chất vận hành của chính trị Mỹ thì phải nói là do những thoả hiệp trong giới làm chính sách vô danh ẩn trong hậu trường. Thực thế, không mấy ai để ý đến chuyến đi Trung đông của Obama và tuyên bố của ông đối với vấn đề Trung đông, Iran và Do Thái. Ông đã ngắn gọn khẳng định Do thái là đồng minh cật ruột của Mỹ, Jerusalem không thể chia cắt, Iran không thể chế tạo võ khí nguyên tử, và cứng rắn đối với tình hình Pakistan và Afghanistan . Chừng đó thứ đủ để sự ủng hộ của thế lực Do Thái chuyển từ Hillary Clinton sang Obama và tiền đổ vào quỹ tranh cử của ông nhẩy vọt lên cao, tương tự như trường hợp bà Hillary Clinton trong lúc tranh cử vòng đầu với Obama. Những người theo rõi chính trị chưa mấy ai quên rằng cách đây 8 năm, khi Al Gore tranh cử với ông Bush, đang trong thế hạ phong đã vùng lên một sớm một chiều sau khi chọn thượng nghị sĩ gốc Do Thái đứng chung liên danh ở vai trò phó tổng thống, nhờ sự thổi mạnh cổ động của truyền thông mà người Mỹ gốc Do Thái nắm giữ.
Mặc dầu vậy, ông Al Gore vẫn thất cử. Có nghĩa rằng truyền thông tuy vậy cũng không bảo đảm 100% kết quả, vì thế cho nên ông McCain mới nói rằng ông sẽ thắng muộn, vì còn hy vọng ở cái yếu tố cảm tính quần chúng đối với mầu da. Mà cái cảm tính này thì truyền thông không nhất thiết kiểm soát được chắc chắn.
Đến đây thì phải nói đến cái số thiên lộc của Obama. Trời đã cho ông Obama làm tổng thống, vì kinh tế đã suy sụp một cách thảm hại vào những tuần lễ gần kề bầu cử. Vì thế quần chúng nói chung dù có ghét Obama thì cũng không thể thích McCain được vì đảng Cộng hoà 8 năm ở Bạch Cung đã gắn liền với sự thất bại kinh tế làm cho người dân mất nhà, mất cửa, mất việc, mất tiền hưu bổng. Cho nên đã bỏ phiếu để thay đổi, dù không biết chắc Obama sẽ làm được tới đâu, và dù có thể không thích mầu da Obama.
Nhiều thành phần khác nhau bỏ phiếu chờ mong Obama thay đổi như thế, thì người ta phải thấy ngay rằng không dễ gì Obama có thể làm hài lòng hết những yêu cầu đủ loại và khác nhau, và ngay cả mâu thuẫn với nhau. Cho nên nếu mà Obama có thể thực hiện được 3/10 hay 4/10 những việc tính làm và hứa làm thì đã là giỏi. Bởi vì còn cả một khối những người bên phía đảng Cộng hoà không sẵn sàng hợp tác, chưa nói là có thể chống đối mạnh mẽ, mặc dầu Obama tuyên bố muốn làm việc với tất cả mọi người.
Chông gai đã thấy đầy con đường trước mắt cho Obama. Hãy chờ xem Obama xoay trở ra sao.
Nếu Obama chỉ là một người nói giỏi mà không có thực sự một hướng lý tuởng để theo thì không nói làm gì, vì như thế thì rút lại ông chỉ là người diễn trò xuất sắc để đạt cho được vị trí của người được kể là mạnh nhất thế giới. Ngược lại, nếu quả tình Obama muốn thay đổi từ nền tảng, thì chắc chắn sau 4 năm mặt Obama sẽ dài như cái lọ. Lúc đó, có lẽ Obama sẽ khoái đọc hai câu thơ của một thi sĩ Việt nam vô danh, là:
Tớ thách trời già thay tớ sống
Làm người khó gấp mấy làm trời.
Làm tổng thống Mỹ khó gấp mấy làm người thường vì phải chìu đủ loại hạng người.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 5 tháng 11/2008)
---